Trước giờ họp hội đồng, thầy hiệu trưởng mời cô Thy vào văn phòng và thông báo:

- Ban giám hiệu có thảo luận riêng về trường hợp của cô và quyết định cô sẽ tiếp tục theo chủ nhiệm lớp năm ngoái. Cô có ý kiến gì không?

Cô Thy rất hài lòng về chuyện này nhưng cũng không khỏi ngạc nhiên:

- Sao ban giám hiệu quyết định như vậy hả thầy ?

Thầy hiệu trưởng mỉm cười khuyến khích:

- Năm ngoái lớp 11C quậy quá. Ban giám hiệu rất đau đầu. Lúc giao lớp cho cô, tôi nghĩ là cô không chủ nhiệm nổi một năm nhưng thực tế lại trái ngược. Cô làm chúng tôi ngạc nhiên. Cô khá lắm.

- Thật ra chúng nó không khó dạy như mình tưởng đâu. Nếu theo sát lớp và hiểu tâm lý chúng nó, thì nó lại rất dễ­ bảo.

- Ðó, cái đó mới là vấn đề. Không phải thầy cô nào cũng chịu theo sát nó. Sự phá phách của nó thường làm cho giáo viên mất bình tĩnh và trừng phạt. Vậy rồi tạo cho chúng nó tâm lý xa cách giáo viên. Mà thầy cô và học trò không yêu mến nhau thì làm sao dạy được.

- Vâng, điều chủ yếu là phải có tình cảm với lớp, vị tha nữa thầy ạ, cái đó quan trọng lắm.

Thầy hiệu trưởng đề nghị:

- Năm nay cô nên viết sáng kiến kinh nghiệm về phương pháp chủ nhiệm lớp cá biệt, tôi nghĩ cô sẽ thành công đó.

Cô Thy cười khiêm tốn:

- Em mới ra trường hai năm, chưa có kinh nghiệm nhiều, em không dám.

- Nhưng cô đã lập thành tích đáng kể, đưa một lớp từ hạng bét ở trường lên đứng hạng đầu, cái đó đâu cần phải có kinh nghiệm lâu năm. Này, cô làm thế nào mà thu phục được chúng nó vậy ?

Cô Thy suy nghĩ một lát rồi nói nghiêm túc:

- Em nghĩ điều kiện đầu tiên là thương mến chúng nó, lúc đó mình sẽ dễ­ kiên nhẫn khi đối diện với những trò phá phách của chúng nó.

Cô ngừng lại một lát rồi nói thêm:

- Mềm mỏng nhưng cũng cứng rắn, em nghĩ như vậy.

Thầy hiệu trưởng gật đầu đồng tình:

- Ðúng. Mềm mỏng nhưng phải cứng rắn. Vì nếu nhu nhược trước những trò tai quái, chúng không sợ mình đâu.

Thầy hiệu trưởng nhìn đồng hồ, thấy đã đến giờ họp, thầy gút lại:

- Thế nào, cô đồng ý chủ nhiệm lớp 12 chứ? Phải soạn thêm giáo án cực đấy.

- Dạ, không sao, chỉ sợ ban giám hiệu lo lắng về năng lực của em thôi.

- Lo lắng? Một giáo viên như cô mà phải lo lắng về năng lực? Cô khiêm tốn.

Nói rồi thầy bật cười ha hả và đứng lên. Cô Thy cũng đứng dậy đi sang phòng họp. Cái tin vừa nhận đem lại cho cô tâm trạng vừa vui vừa thấy nặng trách nhiệm. Nhưng điều đó lại là hứng thú mới trong công việc của cô. Bởi vì cô rất thích nghề giáo viên.

Một tuần sau, cô chủ nhiệm cũ lại hội ngộ với lớp. Qua một mùa hè, đám học trò cô lớn thêm một tí, nhưng tính hiếu động thì vẫn không thay đổi. Ði từ xa, cô Thy đã thấy lấp ló mấy tên con trai lấp ló ở cửa. Thấy cô đến, chúng nó thụt vào rồi tiếng Ðông Kisốt la to:

- Cô Thy tụi bây ơi, năm nay cô Thy chủ nhiệm.

Trong lớp nhảy cẫng lên. Chúng nó có đứa nhảy cả lên bàn. Chúng nó đồng loạt vỗ tay:

- Hoan hô! Cô muôn năm, hoan hô!

Cách mừng rỡ của lớp làm cô Thy nhớ lại năm ngoái, khi lần đầu tiên cô lên lớp. Cô còn nhớ như in những "danh hiệu" chúng nó ghép. Những cái tên "Tí cô nương", "Hồng y sư tỷ" từ lâu rồi đã biến mất. Chúng nó chỉ gọi một tiếng "cô Thy" với vẻ tôn trọng. Có thể chính chúng cũng không nhận ra sự thay đổi ấy, nhưng cô giáo thì nhận rất rõ. Ðối với cô đó là phần thưởng quý giá dành cho sự kiên trì của mình.

Vốn đã có kinh nghiệm, nên ngay tiết đầu cô Thy đã cho ổn định lớp. Năm ngoái thế nào thì năm nay thếấy. Các tổ vẫn như cũ. Và cả lớp cũng không yêu cầu thay đổi gì. Ban cán sự lớp cũng không thay đổi. Có một điều nổi lên là lớp phó học tập năm ngoái chuyển trường, và cả lớp nhất trí bầu Vũ công tử thay vào vị trí đó. Nói chung là lớp ổn định rất nhanh chứ không nổ ra ầm ỉ như năm trước.

Nhưng khi lớp đoàn kết nội bộ thì lại nẩy sinh mâu thuẫn mới với lớp lân cận. Số là năm ngoái lớp 11C và 11D luôn chạy đua với nhau để dành cờ luân lưu. Năm trước thì không có gì nhưng năm nay tụi 12D nổi hứng thế nào mà rình mò sơ hở của 12C để hạ đối thủ. Chuyện có nguyên nhân xa xưa thế này:

Nói chung là từ năm lớp 10, tụi 10D đã quen coi thường 10C. Vì đó là lớp chuyên môn đứng hạng bét toàn trường. Thế rồi đến giữa năm 11, lớp 11C bỗng vượt trội lên. Tuần nào cũng được tuyên dương dưới cờ và bắt đầu được nhận cờ luân lưu. Ngôi vị hàng đầu của 11D bắt đầu bị lung lay. Chúng nó tức lắm và ngấm ngầm ganh đua, nhưng không có gì ầm ĩ cho tới thời điểm này.

Tuần này 12D trực. Ðội cờ đỏ theo dõi hoạt động của 12C một cách sát sao. Chỉ cần thấy một tên đi trễ­ là chúng trừ điểm thẳng cánh. Lớp 12C biết thế nên bảo nhau giữ kỷ luật rất nghiêm.

Thế mà đến khi chào cờ. Tên lớp trưởng đọc bảng xếp hạng thì lớp 12C tụt xuống hạng 3 vì tội cúp tiết, đi trễ­ và mất trật tự khi xếp hàng.

Ðám 12C tức quá, đợi chào cờ xong, lớp trưởng đại nhân bèn chạy qua hỏi lớp trưởng anh chàng kế bên. Thế là hai bên đổ ra hành lang đối chất:

Ban đầu thì lời qua tiếng lại vì việc trừ điểm, nhưng từ từ chuyển qua gây vụ cây chổi lúc nào không hay.

Số là tuần trước, Minh Lan và Thùy cô nương qua 12D mượn chổi. Ðến cuối giờ cô nàng quên trả, bị lớp buổi sáng lấy mất. Lúc đó Minh Lan định mua đền nhưng tên Quốc bên 12D bảo khỏi nên cô nàng cho qua.

Bây giờ hai bên cãi nhau, tụi 12D không thèm chơi đẹp nữa mà bắt đền ngay lập tức. Hồng cô nương chơi ngang, cô nàng hoa chân múa tay:

- Lúc trước trả không nhận thì thôi, bây giờ không trả đó, làm gì nhau.

Một cô nàng bé choắt bên 12D lập tức nhảy cẫng lên, cũng hung hăng không kém:

- Dân tình gì ăn ngang nói ngược, không trả là thưa lên văn phòng, giỏi không trả thử xem.

Ba, bốn cái miệng bên 12C cùng rống lên:

- Giỏi thì thưa đi, thách đó.

- Ăn nói ngang ngược quá, coi chừng mai mốt rớt đại học đó.

- Chưa bằng mấy người ăn gian. Người ta đi trễ­ có một lần mà trừ 2 điểm.

Chưa bao giờ trong trường lại có một vụ gây lộn tập thể như vậy. Các lớp ở hành lang vuông góc đổ xô ra xem. Bàn tán xôn xao.

Lúc đó cô Thy và cô chủ nhiệm lớp 12D đi lên. Hai cô mới giải tán được đám giặc, xua chúng nó vào lớp. Cô Thy bảo lớp trưởng kể lại mọi chuyện rồi lắc đầu:

- Không ngờ các em có thể kém lịch sự như vậy. Những chuyện cãi cọ như thế chỉ có các em cấp II mới làm. Còn các em thì sắp vào đại học, đã trưởng thành rồi sao lại kém văn hóa như thế.

Cả lớp ngồi im như thóc. Cụt hứng! Chúng nó tưởng cô sẽ bênh vực chúng nó mà lên án lớp kia. Ai ngờ, chẳng những không được bênh vực mà còn bị "dũa". Hết ai còn "nộ khí xung thiên" như lúc nãy.

Cô Thy nhìn xuống từng khuôn mặt rồi nói tiếp:

- Càng lớn, các em càng phải cư xử cho lịch sự với tất cả mọi người. Thế mà lại gây gổ với bạn bè chỉ vì chuyện nhỏ nhặt. Vậy rồi gặp nhau trong trường, các em không thấy khó chịu sao ?

Ðông Kisốt cố vớt vát:

- Tại tụi nó chấm điểm ăn gian mà cô.

- Nếu lớp bên kia chơi xấu thì các em chỉ cần nói nhẹ nhàng thôi và cố đừng để cho mình có khuyết điểm nữa. Như vậy không có ai phê phán các em được. Các em nên nhớ, càng cãi cọ càng làm cho chuyện thêm tồi tệ mà thôi.

Thằng Tiến im re, hết dám khua mỏ. Thấy không ai phản đối gì nữa, cô Thy dịu giọng:

- Các em nên làm hòa với lớp bên, còn bằng cách nào thì hãy tự suy nghĩ.

Cô Thy chỉ nói bao nhiêu đó rồi bắt đầu dạy bài mới. Cả lớp lục tục mở sách ra. Chúng nó không dám có ý kiến gì nữa. Nhưng không được cô bênh vực thì vài tên hãy còn ấm ức lắm.

Ðến giờ chơi, cả đám bắt đầu xúm lại hài tội tên Ðông Kisốt.

- Ê, hôm thứ ba ông trốn học đi đâu, khai thật đi.

Ðông Kisốt gãi đầu:

- Tại gặp thằng bạn hồi cấp II, nó rủ đi chơi bida, không lẽ từ chối.

- Trời, trời, tới giờ mà còn chơi model đó, xưa rồi nghe.

- Rồi ông chơi ở đâu ?

- Ở quá bên kia đường.

Mấy cái miệng la lên chí chóe. Chúng nó đổ thừa tên Ðông Kisốt làm lớp bị mất cờ. Hắn biết lỗi nên làm thinh và hắn thấy tức cái tên cờ đỏ nào rình bắt hắn. Ðồ khó ưa!

Ðang xử tội thằng Tiến trong lớp, vài tên quay ra thấy Minh Lan đứng nói chuyện với tên Quốc ngoài hành lang. Thùy cô nương gọi ngay cô nàng vào lớp. Minh Lan không hiểu chuyện gì. Nó vừa ngồi xuống bàn thì mủi nhọn bắt đầu chỉa qua nó. Thùy cô nương chua ngoa:

- Mày nói chuyện gì với tên Quốc đó, khai ra đi.

- Ðâu có nói gì đâu, nó hỏi tao có thích băng ca nhạc không.

- Rồi mày trả lời sao ?

- Tao bảo thích.

Mấy cái mỏ đồng loạt cong lên, bĩu môi ra. Hồng cô nương dài giọng:

- Mày không biết bây giờ nó là phe đối lập không, đó là kẻ thù không đội trời chung của lớp mình. Tại sao còn chơi với nó?

Minh Lan nhăn mặt:

- Tao có chơi gì đâu, tại nó kêu ra hỏi chứ bộ.

- Nó kêu thì mày không ra, không được sao ? Lại còn bảo thích băng nhạc nữa. Không được thích cái gì của kẻ thù cho, hiểu chưa ?

Minh Lan phản đối:

- Mấy người con nít quá đi.

- Tại lớp nó con nít trước, mình mới con nít sau.

Mai Trúc vênh mặt lên:

- Khổng tử dạy "có thù mà không trả thì không phải là quân tử", hiểu chưa ?

Minh Lan nhăn nhó:

- Thôi mấy người đi, lúc nãy cô Thy bảo mình làm hòa với tụi nó. Ðáng lẽ phải để tao làm sứ giả hòa bình, thì tụi mày lại cản. Con nít vừa thôi.

Thùy nổi xùng lên, làm căng:

- Vậy thì mày chọn đi, một là chơi với tụi tao, hai là chơi với nó. Nếu mày thích nó hơn thì khỏi nhìn tụi tao, khai trừ mày luôn.

Nghe nói như vậy, Minh Lan tự ái:

- Không chơi thì thôi, không cần.

Cô nàng đứng dậy, ôm cặp đùng đùng đứng dậy bỏ xuống bàn cuối ngồi với thằng Tiến. Ðám con gái bị bất ngờ quá nên đứa nào cũng ngồi im. Cuối cùng Thùy cũng tự ái lên, nó nguẩy vai một cái:

- Rõ ràng nó quý bạn ngoài lớp hơn tụi mình. Vậy thì thôi làm quỷ gì, cóc cần.

Thế là cả bọn ngồi im. Mấy cô nàng kia tức Minh Lan lắm nhưng tự ái quá nên mấy nàng không thèm làm hòa.

Vậy là từ những chuyện không đâu, các cô nàng lại quay ra giận nhau. Giận hết sức vô lý mà không ai thấy điểm đó. Thật ra thì chuyện cũng không có gì trầm trọng. Chỉ tại ai cũng tự ái ngút trời nên mới xảy ra cớ sự này. Ai cũng thấy bứt rứt khó chịu.Nhưng lên tiếng làm hòa thì nhất định không.

Khánh Di
(Bút danh của Hoàng Thu Dung)
Tiểu thuyết | Nhận xét(0) | Trích dẫn(0) | Đọc(3688)
Viết nhận xét
Hình vui
emotemotemotemotemot
emotemotemotemotemot
emotemotemotemotemot
emotemotemotemotemot
emotemotemotemotemot
emotemotemotemotemot
Mở HTML
Mở UBB
Mở hình vui
Ẩn giấu
Hãy nhớ
Tên gọi   Mật khẩu   Khách không cần mật khẩu
Địa chỉ web   Email   [Đăng ký]