Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
Mặc cho căn bệnh động kinh hành hạ, nhưng khi khỏe là chị ngồi ngay vào khung dệt chiếu, chẳng dám ngơi nghỉ một ngày nào!.

Dù bệnh tật đã lâu nhưng hơn 10 năm qua một mình chị gồng gánh nuôi ba con ăn học và lo thuốc thang cho người chồng bị bệnh thần kinh. Chị không ngại vất vả nhưng giờ đây sức khỏe ngày một yếu chị muốn cố mà sao không được...
Chị là Phan Thị Nô (1962) ở ấp Hòa, xã Nhị Bình, huyện Châu Thành - Tiền Giang.

Lần theo địa chỉ giới thiệu của cô Lê Kim Quờn - giáo viên trường THCS Đông Hòa, chúng tôi tìm đến gia đình chị Phan Thị Nô ở ấp Hòa, xã Nhị Bình, huyện Châu Thành - Tiền Giang thì đã quá nửa trưa. Trước mắt chúng tôi là một căn nhà lá chừng 20m2 đã mục nát. Trong nhà, nhìn từ trước đến sau chẳng vật gì quý giá hơn cây đàn Bầu và cây đàn Kìm đang treo trên vách.

Chị nhấc 2 cái ghế nhỏ mời khách ngồi, chị kể: “Cha mẹ 2 bên đều nghèo nên khi ra riêng vợ chồng tui chẳng có vật gì quý giá hơn là đôi bàn tay. Ở Tân Phước – Tiền Giang là vùng đất phèn mặn, làm ăn khó quá nên vợ chồng đến miệt Đồng Tháp sống bằng nghề cắt lúa mướn, giăng lưới, … nhưng sống cũng không được nên hai vợ chồng mới chuyển đến Long An”.

“Làm bao nhiêu nghề, cũng chẳng khấm khá gì hơn, đã vậy thằng Đức, thằng Thiện, con Kiều lần lượt ra đời, gánh nặng chồng chất. Đến năm 2000, anh Trung (chồng chị Nô) bỗng nhiên phát bệnh tâm thần, suốt ngày chửi mắng, … Vừa lo cho tụi nhỏ, vừa chạy tiền thuốc thang cho chồng, tui đuối sức nên dọn về quê nhà Tiền Giang, nếu có gì thì bà con họ hàng tiếp giúp!”.

Mặc dù nói là quê nhà, nhưng khi chị về đây, gia đình chị lại tiếp tục sống cảnh “nay đây mai đó”. Cũng may được một Tịnh xá thương tình cho một cái nền nhà rồi bà con trong xóm dựng cho ngôi nhà lá để ở. Nhưng để có cơm, có tiền lo cho chồng con, chị Nô đã kinh qua nhiều việc, khi thì làm thuê, cuốc mướn, khi thì làm bánh đi bán, giúp việc, … Trải qua bao nghề cuối cùng chị No bám trụ lại với nghề dệt chiếu và se nhan.

Nói về nghề dệt chiếu, chị Nô cho biết: “Nếu khỏe mạnh, mỗi ngày tui dệt từ 2 – 3 chiếc, trừ đi chi phí thì cũng còn lời được 25.000 – 30.000 đồng. Nhưng lo nhất là những hôm trời mưa, vì khi chiếu chưa “chín” (đủ nắng) người ta sẽ không lấy hàng. Những lúc như vậy thì cả nhà chỉ biết ăn cháo ăn rau cầm hơi cho qua ngày. Mình thì chẳng sao, chỉ xót cho tụi nhỏ ôm bụng đói đến trường! Chị Nô nghẹn ngào nước mắt!

Tư anh Trung bị bệnh, chị cũng đã vay mượn khắp nơi để đưa anh đi chữa bệnh. Nhưng đến nay, bệnh tình của anh chỉ thuyên giảm được đôi chút. “Cháu sợ những lúc cha phát bệnh lắm, cha đánh mẹ và cả tụi con. Có lần cha bóp cổ mẹ đến ngất, tụi con sợ lắm và chỉ mong cha mau hết bệnh!” Bé Ánh Kiều – đứa con gái út đang học lớp 7 trường THCS Đông Hòa nói.

Đáng lo ngại nhất là căn bệnh động kinh của chị Nô đã phát bệnh gần 5 năm nay, nhưng chị đến bệnh viện khám được 1 lần rồi ở nhà cam chịu.

Tấm lòng hiếu thảo và tinh thần hiếu học của 3 đứa con

Nói về anh cả Nguyễn Hữu Thiện, người dân địa phương cho biết ngay từ nhỏ, ngoài giờ học, Thiện đã biết phụ mẹ và chăm sóc hai đứa em của mình, ngoài ra, những giờ rảnh rỗi Thiện còn phụ mẹ dệt chiếu, se nhan. Còn bây giờ, một buổi đi học, một buổi Thiện đạp xe đi giao chiếu cho khách.

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới
Từ khi anh Trung phát bệnh thần kinh, 10 năm nay một mình chị Nô vừa gồng gánh nuôi 3 đứa con ăn học vừa kiếm tiền chạy chữa cho chồng.

Vừa chất mấy tấm chiếu lên chiếc xe đạp, Hữu Thiện chia sẻ: “Đến bây giờ em không thể quên được hình ảnh mẹ đạp xe trong mưa, vượt đoạn đường hơn 25 km để lên nhà người dì mượn gạo nấu cơm cho tụi em ăn. Nhưng mẹ về được nửa đường thì mẹ đã ngất xỉu, cũng may người đi đường phát hiện và đưa mẹ về nhà, chứ nếu không thì, … Thiện bỏ lửng câu nói rồi quay sang nhìn mẹ.

Chị Nô kể, sau khi tốt nghiệp cấp cấp II, Thiện xin nghỉ học rồi lên thành phố đi làm công nhân, hy vọng sẽ giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Nhưng Thiện làm chưa được bao lâu thì đã bị tai nạn xe. Sau lần đó, Thiện trở về nhà, được chị Nô và bà con trong xóm động viên đi học lại nên Thiện đã gạt qua mặc cảm tuổi tác và đã đăng ký đi học bổ túc trở lại.

Nói về tương lai của mình, Hữu Thiện bộc bạch: “Em sẽ phấn đấu học tốt. Sau này, em sẽ thi vào ngành Kế Toán. Nếu đậu, em sẽ cố gắng vừa học vừa làm, quyết tâm lấy được tấm bằng tốt nghiệp rồi đi làm lo cho cha mẹ và hai em ăn học tiếp.”

Khác với anh trai mình, tính tình Nguyễn Hữu Đức trầm lắng hơn, nhưng sức học thì chẳng thua kém gì anh. Trong suốt 9 năm học, Đức luôn là học sinh khá giỏi, ngoài sự hiếu học của em, điều làm chúng tôi ấn tượng hơn nữa khi em chơi được đàn Kìm, đàn Bầu một cách thành thạo.

Nói về nghề tay trái của mình, Đức cho biết: “Em cũng mê ca hát lắm nên có đàn ca là có mặt em. Ban đầu chỉ đến ngồi nghe, sau đó mấy chú thấy em thích lại có khiếu nên mấy chú truyền nghề cho em. Nhờ vậy mà bây giờ, buổi tối có ai kêu đi đánh đàn thì cũng kiếm được 40.000 – 50.000 đồng đỡ đần mẹ, em thấy rất vui!”

Nhận xét về Đức, cô Hồ Thị Thị Lan  - giáo viên chủ nhiệm lớp 9A1 trường THCS Đông Hòa cho biết: “Dù gia đình của em Đức rất nghèo, một buổi đi học, một buổi đi đánh đàn như vậy mà Đức không xao lãng việc học mà còn học giỏi nữa chứ! Nên em xứng đáng là tấm gương cho các học sinh khác noi theo!”.

Nhìn những tấm giấy khen của 3 anh em dán đỏ rực trên tấm vách buồng đã úa màu và bị mọt ăn thủng nhiều chỗ, chúng tôi mới thấy hết được tinh thần hiếu học và sự vượt khó vươn lên của các em. Nhưng với hoàn cảnh hiện tại và bệnh tình của chị Nô mỗi ngày một nặng, nếu chẳng may, chị nằm xuống thì việc học hành cũng như cuộc sống của ba anh em Thiện, Đức và bé Kiều rồi cũng chẳng biết ra sao?

Ngô Nguyễn - Vĩnh Sơn

Tags:
Chia sẻ | Nhận xét(0) | Trích dẫn(0) | Đọc(1079)
Viết nhận xét
Hình vui
emotemotemotemotemot
emotemotemotemotemot
emotemotemotemotemot
emotemotemotemotemot
emotemotemotemotemot
emotemotemotemotemot
Mở HTML
Mở UBB
Mở hình vui
Ẩn giấu
Hãy nhớ
Tên gọi   Mật khẩu   Khách không cần mật khẩu
Địa chỉ web   Email   [Đăng ký]