Thụy đi vào con hẻm ngoằn ngoèo. Con hẻm nhỏ, đường cứ chi chít, quẹo ngang quẹo dọc, càng đi càng thấy rối. Nếu không tới chỗ nầy, hẳn là Thụy không biết ở ngay lòng thành phố, lại có một khu lao động tồi tàn như vậy. Thụy đi mà bụng thấy hồi hộp, không biết lát nữa có ra được hay không.
Thụy đang viết phóng sự về người phụ nữ lao động nghèo khổ. Một người bạn giới thiệu cô tới địa chỉ này, người bạn còn dặn Thụy phải kiên nhẫn, nếu không cô sẽ khó tầm ra được chỗ ở của nhân vật. Mà đúng vậy, hỏi thăm mãi Thụy mới tới được khu nhà trọ ổ chuột này.
Thụy được biết trong xóm gọi bà là bà Hai Đèo. Lâu lắm rồi Thụy không nghe có người tên Đèo. Cho nên cái tên gợi lại trong Thụy hồi ức xa xăm về một người quen, hồi ức đớn đau về một kiếp người trôi lênh đênh trên dòng đời tăm tối, cho dù 10 năm, hay hơn vậy nữa, nhớ lại hình ảnh người chị ấy, lòng Thụy vẫn còn thấy đau.
*
Hồi ấy nhà chị Đèo ở phía sau nhà Thụy. Chỉ cách một con hẻm, nhưng hai thế giới là hai khoảng trời đối lập. Con xóm nhỏ phía sau nhà Thụy, là những mái nhà lụp xụp, lúc nào cũng tôi tối, ảm đạm, như không thấy ánh mặt trời. Trong cái xóm tiêu điều ấy, mỗi nhà là một thế giới riêng. Trong đó những con người cùng quẫn trong cảnh nghèo. Nhiều người khổ lắm, nhưng khổ như chị Đèo thì đến thượng đế cũng phải kinh hoàng.
Khi Thụy đủ tuổi để nhận thức, thì chị Đèo 16 tuổi. con gái tuổi 16 được so sánh như thân cây đang căng đầy nhựa sống. Nhưng chị Đèo èo uột như con mèo đói, như nhánh cây khô, như con gà trụi lông bị rơi xuống nước. Chị Đèo là chị Hai của một bầy em lóc nhóc. Đứa nào đứa nấy đen thui, còi cọc như những đứa trẻ Sômali. Thụy không biết ba chị Đèo chết từ lúc nào, và quãng thời gian có cha, chị có được hạnh phúc hay không. Thụy chỉ biết rằng khi gia đình chị dọn đến đây, thì chị và đám lóc nhóc phải sống với dượng ghẻ. Một ông dượng say sưa đến nỗi trong người ông ta, rượu nhiều hơn máu. Nhà chị Đèo sống nhờ đôi gánh của dì Năm. Thụy không nhớ hồi ấy dì Năm bán cái gì mà cứ ở chợ suốt ngày. Rồi mãi chiều tối mới gánh thúng về. Chị Đèo ở nhà vừa nấu cơm vừa chăm sóc bầy em. Mỗi khi Thụy qua nhà, thì thấy lúc nào chị cũng tất bật công việc. Tóc chị lơ thơ, buộc túm bằng một sợi dây thun. Mặt chị thâm đen. Áo quần chị mặc thường là đồ cũ. Thụy nhớ lúc nào chị cũng mặc chiếc quần đen ngắn ngủn, nhăn nhúm như chưa hề được ủi. Nhìn chị vừa xấu vừa nhếch nhác lôi thôi. Nhưng Thụy rất thích chơi với chị, vì chị vừa hiền vừa chiều chuộng Thụy.
Một buổi trưa, Thụy trốn ngủ, theo đám con nít trong xóm đi lông nhông. Cả đám kéo Thụy đến rình nhà chị Đèo. Thụy cũng chen vào giữa mấy cái đầu lố nhố chụm vào vách lá, cố vạch cho được khe nhỏ, để nhìn vào bên trong. Trong nhà vắng lặng, trên chiếc giường tranh tối tranh sáng, chăn màn lộn xộn, chị Đèo bị trói tay chân, miệng ú ớ chiếc khăn không kêu to được. Còn dượng Năm thì cưỡng bức một cách thô bạo thiếu tính người.
Rồi chị Đèo có thai. Dì Năm biết chuyện làm ầm ĩ. Thật kỳ lạ, trên đời, điều kỳ quặc nhất là mẹ không thương con. Nhưng quả thật điều kỳ quặc đó đã xảy ra. Mẹ không thương con thì làm sao có ý thức bảo vệ con? Cho nên thay vì hành tội dượng Năm, dì Năm quay ra cư xử nghiệt ngã với chị Đèo. Thụy đã nhiều lần chứng kiến những trận đòn tàn khốc, mà nhớ nhất là hình ảnh dì Năm túm tóc, quất đòn gánh túi bụi vào chiếc bụng to lùm lùm của chị Đèo. Tiếng chị kêu thét thất thanh. Thụy nghe mà rụng rời cả người.
Ban đầu cả xóm náo loạn đứng bên ngoài bàn tán. Rồi dần dần đâm quen. Chẳng ai thích làm dũng sĩ để cứu một cô gái hư hỏng. Người ta quan sát sự việc bằng con mắt hơn là bằng cái tâm. Những người phụ nữ trong xóm, khi ngồi tụ lại, thường đem chị Đèo ra làm đầu đề bàn tán, gièm pha cô con gái tư tình với dượng ghẻ. Mấy cái mỏ nhiều chuyện nói hoài không biết chán.
Hàng xóm bàng quan là vậy. Còn đến dượng Năm cũng chả quan tâm gì hơn. Những lúc thấy chị Đèo bị đòn, ông ngồi khề khà chai rượu, như chuyện chả liên quan gì đến mình.
Rồi đứa bé được sinh ra. Hàng xóm xúm lại chê cười, người ta hỏi đố nhau thằng bé là cháu ngoại hay con của dượng Năm. Dì Năm nghe như vậy càng điên lên, càng đánh chị Đèo một cách hung tợn, dù chị chỉ mới sinh được có mấy ngày.
Thằng bé không được đặt tên đàng hoàng, dì Năm gọi nó là thằng Mọi, gọi riết rồi thành cái tên. Ngoài chị Đèo ra, chả ai ngó ngàng gì tới thằng bé. Dì Năm ghét nó lắm, tình máu mủ không có, nói gì đến tình người. Thằng bé mới hơn hai tuổi đã bị bà ngoại đánh, đánh như cơm bữa, đánh hoài không thấy chán. Ông bố ngoại mắt lấp tai ngơ để được yên thân. Hàng xóm cũng chẳng ai buồn can thiệp.
Cái ác diễn ra giữa lòng đời. Bởi vì xung quanh có những người vô cảm.
Người ta nói, cánh cửa này khép lại thì sẽ có cánh cửa khác mở ra. Cuối cùng thì những tháng ngày địa ngục trong gia đình của chị Đèo cũng chấm dứt. Đó là sự việc chị đi lấy chồng. Dì Năm thu xếp cho chị lấy một người đàn ông góa vợ, là bạn nhậu chí cốt của dượng Năm.
Lấy chồng không bao lâu thì chị Đèo gánh thúng rau ra chợ bán, để kiếm tiền nuôi chồng ăn nhậu. Hình như chị Đèo có duyên với bạo lực. Chồng chị rất nhiệt tình trong việc hành hạ chị. Mỗi lần say là ông chửi, ông chửi từ dượng Năm chửi lan ra dì Năm, từ dì Năm chửi xuống chị Đèo, rồi từ chị Đèo chửi xuống thằng Mọi. Chửi xong ông lại đánh, cứ ầm ĩ lên. Khiến cả xóm không sao ngủ được. Mà hồi ấy người ta chịu đựng giỏi lắm. Hồi ấy làm gì có chuyện tổ dân phố làm việc với người gây bạo lực. Người ta sống hết sức bản năng, nên trong xóm lúc nào cũng náo loạn.
Thằng Mọi mới ba tuổi đã biết xách chai đi mua rượu cho dượng ghẻ. Chẳng khi nào nghe nó nói chuyện. Mẹ vắng nhà suốt ngày nên nó lặng lẽ một mình, như một đứa bé câm. Trẻ con ba tuổi không thể thiếu mẹ, nhưng nó bị bỏ bê như con chó hoang. Những lúc bị dượng ghẻ hành hạ, không có mẹ bên cạnh bảo vệ, một mình nó cô đơn nhận chịu bạo lực, có kêu khóc, giãy giụa cũng chẳng ai quan tâm. Hết đòn, nó ngồi thu lu một góc, khe khẽ thút thít. Mà nó hay nhìn xa xăm lắm. Rất nhiều lần Thụy thấy nó ngồi một mình trước hàng hiên, gương mặt thẫn thờ. Thụy chưa thấy đứa bé nào có đôi mắt buồn như nó. Đôi mắt trẻ con không trong veo. Có cảm tưởng nó tắm trong cả đại dương nước mắt.
Thật ra trẻ con không khờ, nó cũng biết cảm nhận cuộc đời theo cách của nó. Và vì không lý giải được sự việc, nên nỗi hoang mang khiếp sợ sẽ càng nhân lên gấp nghìn lần.
*
Đó là chuyện ngày xưa. Bây giờ, trải qua hai mươi mấy năm, chị Đèo mới hơn 40 đã thành bà già. Bà Đèo bán vé số sống một mình. Còn thằng Mọi? Trong một lần thấy mẹ bị dượng ghẻ đánh dã man, nó dồn hết căm thù chất chứa, cầm dao đâm ông dượng.
Sự kết thúc bi kịch này lại mở đầu cho một bi kịch khác. Thằng Mọi bị kết án mấy năm tù về tội giết người.
*
Sau bài viết của Thụy, người ta cho tiền chị Đèo rất nhiều. Một tuần sau, Thụy mang tiền đến nhà trọ. Người chủ bảo chị Đèo đã chết đột ngột trong một cơn bệnh. Cô bé hàng xóm kể lại, chiều đó chị Đèo dầm mưa bị cảm. Khi cô bé qua thăm, chị nhờ nó mua cho cây kem, chị nói rằng chưa khi nào chị được ăn thứ gì ngon như vậy.
Hoàng Thu Dung