Khi biết tôi làm thơ
Ông bảo chú em hãy viết:
về nỗi khổ của người nông dân,
về giá phân bón thuốc trừ sâu tăng còn nông sản thì bấp bênh giá cả
về con đường đi vô xã, bao năm nay mùa mưa lầy lội mùa nắng bụi mù
về đây đó nọ kia…
Ông kể chuyện đâu hồi năm ngoái, dịch cúm cướp mất đàn gà
Ông nhớ một mùa nắng hạn, trai tráng bỏ làng đi xa.
Ông khen con Đèo xóm dưới, nhà nghèo học giỏi nhất làng
Ông khoe mới đầu tháng trước, bà Bảy xây nhà khang trang…
Chưa đọc thơ tôi bao giờ nên ông đâu biết rằng:
Tôi chỉ làm thơ ca ngợi vẻ đẹp của những dòng sông, của những cánh đồng
Tôi yêu cái xóm nghèo với bà mẹ quê lam lũ
Tôi tiếc thương mái nhà tranh, vách đất và những chiếc cầu tre ngày cũ
Làng quê tôi nghèo khó, thanh bình.
Chưa đọc thơ tôi bao giờ nên ông đâu biết rằng
Đời nào tôi viết được về những điều ông kể.
Nhìn gương mặt ông khắc khổ không rõ đang tỉnh hay say
Bao năm giữ làng bám đất, sớm hôm lo chuyện cấy cày
Ông kể không đầu không cuối, chuyện vui xen lẫn chuyện buồn
Kể hết chuyện xóm chuyện làng, lại đến chuyện đồng chuyện ruộng
Ông nhấp nửa ly rượu đế, bảo: “Thôi, uống đi chú mày!”
Rồi vỗ đùi khà một tiếng
Cười giòn tỏa nắng ban mai.
Trương Trọng Nghĩa