Làm dâu nhà Trường Duy cũng vui, cách sống của gia đình anh cũng giống gia đình tôi, nên tôi hòa nhập với nếp sống một cách dễ dàng, nhẹ tênh. Thật ra thì có chồng cũng đâu có gì ghê gớm lắm.

Tôi vẫn thất nghiệp, suốt ngày thơ thẩn chẳng biết làm gì hơn là phụ nấu cơm với mẹ chồng. Trời, bà ấy kỹ tính và màu mè kinh khủng. Căn bếp được lau chùi sạch bóng, mọi thứ đều gọn gàng ngăn nắp. Nấu cơm trong căn bếp như thế cũng thích, nhưng càng ngày tôi càng thấy ngán quá.

Không hiểu sao mẹ chồng tôi thích nấu nướng thế, chỉ một buổi sáng mà nấu cả chục món, món nào cũng có chút xíu, chúng đựng trong một lô chén đĩa tẳn mẳn nhìn mà rối mắt. Có lần tôi hỏi bà ấy sao nấu nhiều mất công thế, thì bà ấy bảo rằng làm nhiều món cho lạ, bởi vì trong nhà mỗi người thích ăn một thứ, nghe xong tôi rụng rời cả người. Trời ơi! nếu mọi người trong nhà thích nhiều món thì tôi đến chết vì nấu ăn mất.

Ban đầu tôi thấy nấu ăn cũng vui, tôi có thể đòi mua những gì mình thích, nhưng càng ngày tôi càng hết thích rồi, bắt đầu thấy chuyện nấu nướng là vô cùng kinh khủng.

Sáng nay không biết nghĩ thế nào, mẹ chồng tôi đi chợ về với một lúc hai giỏ đầy nhóc các thứ, nhìn chúng mà dở khóc dở cười. Tôi tròn mắt:

- Mẹ định nấu để dành luôn ngày mai hả mẹ, ngày mai mẹ đi đâu thế?

- Đi đâu đâu con, sáng nay thấy có mấy củ cải ngon quá, mẹ mua về ngâm muối, củ cải muối ngon lắm, thằng Duy nó thích lắm.

Nhìn giỏ củ cải mà nước mắt ứa ra, phải ngồi gọt cho hết thì tôi sẽ mòn mỏi mất thôi. Tự nhiên tôi tức Trường Duy ghê gớm, bộ hết thứ rồi sao mà anh thích ăn củ cải muối chứ, anh có biết vì anh mà tôi khổ sở thế nào không? Bắt đầu từ nay, tôi sẽ không cho Trường Duy thích ăn củ cải nữa, bao nhiêu đây cũng đủ khổ thân tôi lắm rồi.

Tôi trút tất cả ra một chiếc thau, chúng đầy ngòn ngộn, nhìn mà ngán ngẩm. Tôi ngồi cặm cụi gọt từng miếng bỏ trong suốt thỉnh thoảng ngừng tay nhìn phần còn lại, ngao ngán quá đỗi. Giá mà ở nhà mình, tôi sẽ bỏ mặc đấy, chừng nào thích thì làm không thích thì thôi... Ở đây thì tôi không dám. Ôi có chồng chi cho mất tự do thế này.

Ngồi bên cạnh mẹ chồng vừa nhặt rau, vừa tỉ tê với tôi những kỷ niệm từ thời xa xưa, từ lúc Trường Duy còn được bồng trên tay đến lúc chập chững biết đi. Giá lúc khác, tôi thích nghe lắm, nhưng bây giờ cái đầu tôi muốn nổ tung ra vì tức. Bây giờ mà làm được ấy hả? Tôi sẽ hất tung mớ củ cải ra đất cho hả giận.

Buổi trưa, Trường Duy đi làm về, tôi lầm lì nhìn anh, không thèm đáp lại cái nháy mắt của anh. Và lúc chỉ có hai người trong phòng, tôi ngồi thu mình một góc hầm hầm.

Trường Duy đặt tôi ngồi lên chân anh giọng ngọt lịm:

- Tay em bị dính gì vậy?

Tôi đứng bật dậy, nổ ra một trận:

- Anh có biết em phải ngồi gọt củ cải suốt buổi sáng không? Vậy mà có xong đâu, cả chiều nay chưa chắc gọt hết nữa. Tay em thế này có rửa cả ký xà bông cũng không sạch nổi nữa.. hu... hu... Bộ bổn phận em là phải nấu cơm hả. Bộ anh cưới em về chỉ để phụ bếp thôi hả, em chán lắm rồi, không việc gì em phải nấu nướng hết... hu... hu...

Tức không chịu nổi, tôi gào lên khóc. Trường Duy quýnh quáng:

- Cái gì vậy, có chuyện xảy ra phải không? Em nín khóc nói anh nghe đi, mẹ rầy em hả?

- Không rầy rà gì hết, nhưng em chán làm bếp lắm rồi. Mấy tháng nay ờ nhà chỉ biết nấu cơm, bộ em không thể làm chuyện khác hơn được sao, biết thế này em chẳng thèm đi học làm gì cho mất công chán bếp núc lắm rồi.

Trường Duy ngẩn người, im lặng, có vẻ anh ngạc nhiên vì cơn bùng nổ của tôi, rồi anh dịu dàng:

- Hình như chuyện nấu ăn làm em bực mình lắm phải không? Sao lâu nay em không nói với anh.

- Có nói anh cũng không giúp gì cho em được, nói làm chi.

Anh dỗ dành:

- Thôi vậy, chiều nay anh sẽ nghỉ một buổi ở nhà phụ gọt củ cải với em, em chịu không?

- Chịu, nhưng làm vậy, mẹ sẽ bảo em lười biếng mà em có lười đâu, em chỉ không thích thôi.

- Được rồi, được rồi, trưa nay em ngủ đi để đó cho anh.

Rồi Trường Duy bảo tôi mang thau củ cải lên phòng. Anh ngồi dưới nền gạch, cắm cúi gọt từng củ, tôi mỏi lưng quá nên nằm lăn ra giường mà nhìn. Lạ thật. Mớ củ cải tưởng phải gọt đến chiều, nhưng Trường Duy chỉ làm loáng một cái là xong, khi anh đứng lên thì đã gần một giờ.

Trường Duy vội vã mặc đồ đi làm, tôi đợi cả nhà ngủ rồi mới mang thau xuống bếp, cơn giận bay mất tiêu và tôi cũng không hiểu lúc sáng mình giận cái gì. Thật ra thì gọt củ cải cũng nhẹ nhàng đó chứ.

Mấy ngày sau thì tôi quên bẵng chuyện bực mình, buổi trưa Trường Duy về tôi lại vui vẻ đón anh, cùng giỡn rúc rích trong phòng. Và đến tối lại cùng anh lên sân thượng ngắm trăng hoặc đàn hát... Sau những chuyện bực mình, tôi lại vui vẻ, đùa giỡn với anh một cách vô tư và chúng tôi hạnh phúc như chẳng có gì để mà vướng víu.



***



Nhưng nếu nhà chỉ có hai chúng tôi thì thật hạnh phúc hoàn toàn, không hiểu sao chuyện bực mình cứ như sẵn sàng chui vào tôi, làm tôi tức không chịu được.

Hôm nọ khổ sở với mớ củ cải, bây giờ đến lượt bực mình nhỏ Mai Lan. Không biết tôi có làm gì phiền nhỏ không, chứ nó làm tôi điêu đứng vì cái tật đểnh đoảng. Con gái gì mà bê bối không chịu được. Mỗi lần vào phòng nhỏ tôi phát khiếp vì sự bề bộn, vô phúc cho cậu bé nào mang nó về làm đấng phu nhân, tối ngày theo dọn dẹp cho nó thôi nếu không bị khùng thì cũng điên điên.

Nhỏ đang học năm thứ hai trường kinh tế, xinh đẹp mảnh mai như một nàng thơ, đám con trai trồng cây si vô khối nhưng chưa ai lọt vào mắt xanh của nó, khổ cho thân nam nhi tội nghiệp lắm, bởi vì nhỏ Mai không thuộc loại nữ nhi thường tình, mà thuộc hàng nữ tướng siêu đẳng. Mỗi lần nó đi học về, chỉ cần nghe tiếng mở cửa là biết ngay. Nó dắt xe vào nhà là một lô tiếng động nối tiếp nhau, đầu tiên là tiếng xe chạm vào cửa nghe cái rầm, sau đó tiếng guốc va vào bàn cốp cốp, nó vào phòng thì cánh cửa đánh sầm một cái, cuối cùng thì tiếng giỏ quăng phịch lên bàn. Lúc mới đám cưới về, mỗi buổi trưa là tôi cứ bị hết hồn vì một lô âm thanh rổn rảng, nhưng riết rồi quen. Thật không hiểu nổi một cô bé xinh xắn yểu điệu như nó lại mạnh bạo như con trai thế. Trường Duy đĩnh đạc bao nhiêu thì nó lại loi choi bấy nhiêu, hai người cộng lại chia đôi là vừa.

Sáng nay ở nhà dọn dẹp có một mình, tôi tỉ mỉ lau bàn ghế. Trên chiếc bàn nhỏ kê ở góc phòng, một đống vỏ nhãn nằm lăn lóc thật chướng mắt. Tối qua nó tiếp bạn rồi bỏ bừa bãi thế đấy. Tất nhiên là tôi phải dọn mấy thứ này rồi, tức phát điên lên được giá mà có nhỏ ở đây sẽ nhét hết cả vỏ lẫn hột vào miệng nó cho hả giận.

Chưa hết, buổi trưa tôi đang ngủ thì nó vào phòng dựng tôi dậy:

- Chị Phượng ơi! ngủ hả? dậy đi.

Tôi ngồi choàng dậy, mắt nhắm mắt mở nhìn nó:

- Chuyện gì Lan?

- Chị có thấy đôi giày sandal của em đâu không? đôi giày mà em mới mua hôm tuần trước?

- Chị không thấy.

- Sao đâu mất rồi kìa? - Rồi nó nhìn tôi nôn nóng - Chị nhớ kỹ lại xem có mang đi đâu không?

Nó lại lẩm bẩm một mình:

- Kỳ thật ta, sao mất đi?

Tôi buồn ngủ quá nói cho xong chuyện:

- Lan nhớ xem có cho ai mượn không?

Nó chợt hét toáng lên làm tôi hết hồn:

- À nhớ rồi, nhỏ Lệ mượn chưa trả, thế mà em quên mất, thôi chị ngủ tiếp đi.

Rồi nó đi ra, tôi chúi mặt xuống gối ngủ ngon lành. Nhưng chỉ vài phút sau, Mai Lan lại đẩy cửa ào vào phòng:

- Chị Phượng cho em mượn cây kẹp voan trắng của chị đi, chiều nay em đi sinh nhật.

- Chị để trong tủ ấy.

"Rầm" một cái, tôi giật mình ngồi dậy hết cả buồn ngủ. Mai Lan kéo ngăn tủ mạnh tay quá, làm cả hộp đựng đồ trang điểm của tôi rơi xuống đất, văng tứ tung. Tôi ngồi bó gối nhìn nhỏ lục tung mớ ruy băng, cuối cùng lôi ra được chiếc kẹp. Nó đứng dậy hài lòng.

- Nó đây rồi - Rồi nhỏ bước lại bàn phấn, cài cây kẹp trên đầu, nghiêng người ngắm nghía - Đẹp không chị Phượng, em làm kiểu tóc này đẹp không?

- Hợp lắm.

Và lạy Chúa nó quên phéng chuyện dọn dẹp và hồn nhiên nhảy chân sáo ra khỏi phòng, bỏ lại tôi với một mớ đồ bừa bộn. Tôi nhảy xuống giường, lui cui xếp đồ lại. Thôi, nói gì nữa bây giờ, tức làm chi cho ốm người, im lặng cho xong. Thôi thì cầu mong cho nó gặp một đấng ông chồng là chuyên viên dọn dẹp cho nó khỏi phải sửa đổi tính nết tội lắm. Và cũng cầu chúc nó gặp bậc cha mẹ chồng không biết nói. Chứ nếu phát âm bình thường mà gặp cô em chồng xinh xắn của tôi thì có ngày vỡ cuống họng.

Chưa hết, buổi tối Mai Lan lại lên dây thần kinh tôi bằng chuyện khác. Buổi tối, nó đi qua phòng tôi với cây kẹp tơi tả trên tay, tôi rầu rĩ nhìn cây kẹp:

- Làm sao mà nó rút hết vậy?

- Chị mua kẹp dở quá, lúc nãy gỡ xuống còn vướng mấy sợi tóc, em bực mình giật mạnh một cái, ai ngờ nó bung ra luôn. Đau muốn chết được, trả chị nè - Rồi nó sà xuống, kể tôi nghe chuyện đi sinh nhật.

Tôi ngồi im hết nhìn cây kẹp nhăn nhúm rồi lại nhìn vẻ mặt tươi cười của nó, muốn cắn cho nó một cái quá. Con gái gì vô tâm ơi là vô tâm.

Khi Trường Duy lên phòng, nhìn vẻ mặt hầm hầm của tôi nết mặt anh như thoáng lo ngại, rồi anh ngồi bên tôi âu yếm:

- Chuyện gì vậy cưng, em giận ai phải không?

Tôi im lặng, lầm lì đưa cây kẹp cho anh. Trường Duy cầm lên xem:

- Sao nó bị hư vậy?

- Chẳng sao cả, tại tôi khéo léo quá nên nó mới ra nông nổi như vậy đấy. Anh muốn biết kỹ hơn thì đi hỏi cô em yêu quý của anh kìa.

- Mai Lan làm hư của em hả?

- Hẳn nhiên không phải là tôi rồi.

Trường Duy khẽ thở dài:

- Nhỏ này cái tật nói hoài không chịu sửa. Thôi mai một em đừng cho nó mượn đồ của em nữa, nó không biết giữ gìn gì đâu.

Tôi bặm môi:

- Anh làm như tôi ích kỉ lắm vậy, làm sao mà không cho mượn được chứ, nhưng xài rồi trả lại vậy đó hả, anh có biết tôi cưng cây kẹp này thế nào không, lựa gần cả buổi sáng mới tìm được cái bông vừa ý, thế mà...

Tôi tức tối khóc thút thít. Trường Duy đứng bật dậy như hết chịu đựng sự bực tức phải đè nén, anh thở hắt ra:

- Tối ngày em cứ bắt anh phải giải quyết chuyện trẻ con hoài sao Phượng. Anh biết Mai Lan có tính bê bối và mấy lần khuyên em nên tránh nó, sao em không nghe, rồi cuối cùng bực hết chuyện nọ đến chuyện kia, anh biết phải làm sao đây. Anh đâu ở nhà thường mà tránh cho em.

Tôi gào lên:

- À, anh cho tôi là trẻ con hở? chuyện như vậy mà bảo tôi đừng tức hả? thế nếu là kẹp của anh thì anh có tức không chứ?

Trường Duy lắc đầu ngao ngán, rồi nhẹ nhàng:

- Có, anh biết như vậy là em giận lắm, cả anh cũng thấy bực nhỏ Lan, để anh sửa nó từ từ. Thôi, bây giờ đừng giận nữa anh hứa sẽ tìm kẹp khác cho em. Em chịu không?

- Nhưng dễ gì tìm được loại bông giống như vậy nữa, người ta bán hết rồi còn gì.

- Không sao đâu, để anh đền cho.

Và anh đặt tôi ngồi trên chân, dỗ dành thuyết phục tôi một cách kiên nhẫn. Tôi nguôi dần nhưng cũng còn thấy ấm ức lắm.

Trưa hôm sau, Trường Duy về đưa hai cây kẹp giống hệt cây kẹp trước của tôi, không hiểu anh tìm cách nào hay thế, tôi nhớ lúc trước người ta bán ít lắm mà.

Trường Duy tế nhị:

- Em mang cho Mai Lan một cây đi.

Tôi hớn hở chạy qua phòng nhỏ Lan, xoè cây kẹp ra trước mặt nó, đôi mắt nó sáng lên:

- Ở đâu vậy, chị sửa được rồi hả?

- Lan có thích không?

- Thích chứ, cây kẹp kia hư em tiếc lắm. Không hiểu em đụng đến cái gì là hư cái đó, mẹ với anh Duy la hoài mà không sửa được.

Phải chi hôm qua nó nói được như thế thì tôi đâu phải nổi khùng, nhưng thôi, bây giờ chuyện ấy đã qua rồi.

Tôi trở về phòng vui ríu rít với Trường Duy và quên bẵng chuyện bực mình. Anh ôm tôi trong tay và nhẹ nhàng:

- Mai mốt có chuyện gì em hãy nói từ từ, chỉ có chuyện nhỏ nhặt vậy mà em làm anh điên đầu lên được. Bây giờ em hết giận chưa?

- Hết rồi.

- Thế hôm qua em giận gì vậy? Em tiếc cây kẹp hả?

- Em đâu có tiếc lắm, chỉ hơi hơi thôi.

- Vậy sao em làm ầm lên vậy?

- À... Tại vì em tức Mai Lan, nó làm hư mà chả xin lỗi gì hết, còn chê em mua đồ dở có đáng giận không chứ?

- Em thật trẻ con và xốc nổi.

Tôi giãy nảy:

- Em không trẻ con cũng không nông nổi, có điều bực mình thì phải la lên thôi, không la em chịu không nổi.

Trường Duy kiên nhẫn:

- Nhưng chuyện đó đâu có lớn, ở trong nhà chỉ có chuyện phụ làm bếp và va chạm nhỏ với Mai Lan mà em còn phản ứng như vậy mai mốt ra ngoài làm việc gặp chuyện lớn hơn thì em làm sao?

- Em chả việc gì gặp chuyện rắc rối gì hết, em không chọc ghẹo ai, thì không việc gì người ta chọc em.

- Nhưng mà...

Tôi bịt tai lại:

- Em không thèm nghe.

Trường Duy gỡ tay tôi ra, nhẫn nại nói:

- Nghe anh nói nè Phượng. Anh biết vì không có việc làm nên em hay bực bội. Vậy thôi em đừng ở nhà hoài nữa, em có thể đi chơi hay tìm một thứ gì đó học cho vui, ở nhà hoài em dễ chán lắm... Khi chán rồi em hay cau có với anh quá, mà anh có lỗi gì đâu.

Tôi ngồi im lặng nghe anh nói, quả thật thời gian sau này tôi hay trút giận vào Trường Duy vô số những chuyện bực cỏn con, mà anh thì có lỗi gì đâu, tôi biết thế, nhưng không trút vào anh thì tôi còn biết trút đi đâu bây giờ. Giá mà tìm được việc làm cho đỡ buồn, chớ ở nhà quanh quẩn với việc bếp núc chắc tôi điên lên mất. Cuộc sống của tôi là vậy thôi sao?

Hoàng Thu Dung
Tiểu thuyết | Nhận xét(0) | Trích dẫn(0) | Đọc(2855)
Viết nhận xét
Hình vui
emotemotemotemotemot
emotemotemotemotemot
emotemotemotemotemot
emotemotemotemotemot
emotemotemotemotemot
emotemotemotemotemot
Mở HTML
Mở UBB
Mở hình vui
Ẩn giấu
Hãy nhớ
Tên gọi   Mật khẩu   Khách không cần mật khẩu
Địa chỉ web   Email   [Đăng ký]