Hai giờ dạy hôm nay thật nặng nề, lớp học ngoan ngoãn của tôi như rủ nhau nổi loạn, không hẳn là cả lớp, mà tập trung ở bàn cuối. Phan Duy ở bàn cúôi nói vọng lên những câu châm biếm khi tôi giảng, thậm chí cười nói oanh oang với Quốc Dũng ở tận đầu bên kia. Đến nổi tôi phải dừng lại vài lần để ổn định chúng nó, và cuối cùng phải bỏ dở phần cuối. Tôi nghiêm nghị nhìn xuống cuối lớp:

-Cô thấy nãy giờ em Duy và em Dũng nói chuyện hơi nhiều, nếu các em cảm thấy không muốn học thì cô không ép, nhưng cô yêu cầu 2 em yên lặng cho các bạn khác học.

Thằng bé dựa và tường, cười tỉnh bơ:

-Có ai giỡn gì đâu cô, nảy giở em đâu có quậy phá gì đâu, thằng Dũng giỡn hoài cô la kìa mày.

Quốc Dũng phản đối:

-Tại mày nói với tao mà.

Bên con gái quay xuống bàn cuối, khó chịu nhìn Phan Duy, thằng bé nhơn nhơn:

-Nhìn gì, đứa nào sợ cô thì cứ học, ai không thích học thì kệ người ta.

Nó nghêng ngang đứng dậy:

-Em không muốn học, em ra ngoài được không cô?

Tôi gật đầu, thản nhiên;

-Cô cho phép, em cứ ra.

Thằng bé hơi khựng lại, có lẽ nó chờ ở tôi phản ứng khác. Tôi đọc thấy trong mắt nó có vẽ hụt hẩng, rồi nó mím môi cương quyết đi ra cửa.

Cả lớp nhao nhao lên bình phẩm Phan Duy, tôi tức run lên và ngạc nhiên. Cô không ngờ hôm nay thằng bé lại dở chứng như vậy, bình thường nó học rất ngoan kia mà.

Hết giờ, tôi không phê sổ đầu bài và đi lên phòng giáo viên, tức muốn khóc trước thái độ xấc láo cửa Phan Duy. Tôi không muốn đưa chuyện này lên văn phòng, nhưng tự mình giải quyết thì không biết phải làm thế nào. Tôi quyết định theo dõi thằng bé một thời gian rồi xử trí sau.

Vậy mà tôi vẫn không gạt bỏ được ấn tượng của buổi sáng, cả chiều nay tôi loay hoay với những ý nghĩ buồn bực về Phan Duy, tôi không quen bị học trò chống đối như vậy, dù đã hiểu quá nhiều quan hệ thầy trò trong xã hội này.

Chiều nay Đình Văn về hơi sớm, anh có vẻ vui, tôi biết anh muốn về với tôi, tội nghiệp anh. Hạnh phúc bình thường của người chồng là được sự quan tâm săn sóc của vợ, thế mà tôi đã cướp mất một cách dững dưng, và anh chỉ có thể chịu đựng, không dám trách móc, không dám đòi hỏi. Đâu phải tôi không thấy tất cả những cái đó, nhưng tôi cũng chỉ là con người với những tình cảm ti tiện lẫn nhân hậu. Hạnh phúc chỉ có thể được vớt vát khi tâm hồn người ta vị tha, nhưng cái đó thì hiếm hoi quá.

Tôi chủ động hỏi:

-Mình đi lại Mỹ Yến không anh? Em sửa soạn nghe.

-Ừ, anh chờ.

Tôi ngồi trước bàn phấn, phân vân, tôi phải xuất hiện trước Mỹ Yến thế nào đây? Đẹp lộng lẫy để gợi sự ghen tức hay bình dị để tỏ ra vô tư? Tôi nên có thái độ kiêu kì của kẻ chiến thắng hay sự gần gũi để tỏ lòng vị tha? Sự trả thù nào sẽ đau đớn hơn? Tôi có thể làm được mọi cái đó. Nhưng tôi e rằng với 1 người như Mỹ Yến, tỏ ra cao thựơng chẳng có tác dụng gì đâu, nhỏ sẽ không hiểu đâu.

Tôi nhìn mình trong gương, có lẽ chỉ cần 1 lớp kem mỏng, 1 tí son môi phơn phớt, 1 mái tóc xõa tự nhiên và 1 chiếc áo trắng giản dị. Tôi không thích đặt mình ngang hàng với Mỹ yến trong sự hào nhoáng lộng lẫy. Cần gì tôi phải nhờ đến những thứ đó viện trợ. Tôi chỉ thích là mình mà thôi.

Nhà trọ của Mỹ yến khá sâu trong hẻm. Có lẻ Đình Văn muốn trốn tránh bạn bè. Cũng như tôi đã từng đi tìm 1 nơi ẩn mình chạy trốn sự đổ vở tủi nhục.

Đình Văn gỏ cửa, tôi cố ý nép qua 1 bên, tôi muốn hiểu mối quan hệ thật của 2 người. Mỹ yến mở cửa, mắt nó sáng lên khi nhìn thấy Đình Văn, nó nhìn anh cười quyến rủ:

-Em không ngờ anh tới lúc này đó, em mừng quá.

Gương mặt nó kinh ngạc, thoáng chút sợ sệt khi thấy tôi, tim tôi cũng đập lọan trong lồng ngực, tôi chưa biết phải làm gì, Đình Văn nắm tay tôi:

-Vô đây đi em.

Tôi đi nép sau lưng anh, lóng ngóng. Tôi run từ trong bụng khi gặp lại con bạn kinh khủng của mình. Sau đó tôi cố trấn tỉnh cười tự nhiên:

-Khỏe hả Yến, lâu ghê không gặp mày.

Bản lỉnh của nó khác tôi, nhỏ cười nhếch miệng, kéo ghế về phía nó:

-Mày ngồi đây đi, lúc này khỏe không?

Rồi nó quay qua Đình Văn:

-Anh rót nước cho Phượng Nhi uống đi.

Tôi lắc đầu:

-Thôi, mày làm như tao lạ lắm vậy.

Tôi kéo chiếc ghế ra xa ngồi xuống, khi ngẩng lên tôi thấy mắt nó chụp gọn toàn bộ mình, đo lường vẽ đẹp cùng bản lỉnh của tôi, mắt nhỏ loé lên 1 tia dữ dội.

Đình Văn ngồi gần bên tôi, im lặng.

Mỹ Yến như không quan tâm nhiều đến tôi, nó tựa vào thành giường nhăn nhó nhìn Đình Văn:

-Sao từ chiều giờ bụng em trằn trọc khó chịu quá anh.

Tôi chóang váng, tức run lên. Tôi nghe Đình Văn ân cần:

-Vậy hả? Yến có cần đi bác sĩ không? Tôi với Phượng Nhi đưa đi.

-Có phiền Phượng Nhi không? Chuyện của mình mà bắt Phượng Nhi phải lo.

Tôi dịu dàng:

-Không sao đâu, bạn bè chứ có ai đâu mà phiền. Mình từng ở chung nhà quen quá rồi, mày đừng ngại.

Nó im lặng, tôi giục:

-Mày thay đồ đi, tao chở đến bác sĩ, nhờ anh Văn coi nhà dùm.

Nhỏ hiểm độc:

-Thôi để anh Văn lo, anh ấy săn sóc tao quen rồi, mày ở đây chờ anh ấy đưa tao đi nghe. Đi anh Văn.

Đình Văn thờ ơ:

-Phượng Nhi rành chuyện của phụ nữ hơn.

Anh nhìn tôi:

-Em đưa bạn em đi được không cưng?

-Dạ được.

Đây là 1 sự giằng co. Tôi khó chịu, Mỹ yến có thái độ kỳ quá, như vậy để làm gì kia chứ? Khiêu khích tôi, làm cho tôi đau đớn và không yên ổn sống với Đình Văn? Nhỏ hiểm độc lắm, ác độc lắm, lẽ ra nhỏ phải biết điều hơn chứ.

Tôi im lặng chờ cách xử sự của nó. Tôi nhìn Đình Văn, anh cũng ngồi yên lặng.

Mỹ yến có vẽ hằn học nhìn Đình Văn:

-Sao hôm nay anh kỳ quá, nhờ 1 chút cũng không làm.

Đình Văn lúng túng, tôi can thiệp:

-Đừng nghĩ vậy Yến, tao với anh Văn lo cho mày lắm. Ở đây mày không có ai lo, tụi tao phải có trách nhiệm chứ. Mình là đàn bà, hiểu nhau hơn, anh ấy đâu có giúp mình tỉ mỉ được.

Đình Văn nhìn tôi đầy vẽ biết ơn, Mỹ yến cũng ngồi yên với vẽ buông xuôi, tôi không khoan nhượng:

-Mày thấy trong mình ra sao rồi? Đi khám coi, tao đưa đi.

-Thôi, chắc không sao.

Không khí như trầm xuống, tôi hỏi thăm:

-Mai mốt sinh xong mày đi học lại không?

Nhỏ nheo mắt, rắn đanh như mắt cáo:

-Học làm khỉ gì được, ai nuôi cho mà học, tao đâu có được may mắn như mày.

Tôi hít 1 hơi, đã đến lúc phải quyết định:

-Mày đừng lo, bọn tao sẽ nuôi đứa bé, mày có thể rảnh rang học tiếp mà.

Nó chồm tới:

-Cái gì, mày chịu nuôi con tao hả?

-Ừ. Mày đồng ý không?

Nhỏ ngồi yên, suy nghĩ, tôi tiếp tục:

-Không có con mày có thể đi học lại, tực do hơn, rồi mày sẽ có gia đình mà không sợ vướng víu. Tao thấy mình nên giải quyết chuyện này cho sớm, để kéo dài mai mốt nhiều người biết không hay cho mày.

Mỹ Yến mĩa mai:

-Mày đầy đủ nên mày cao thượng quá. 2 người bàn bạc kỹ rồi đó hả? Số phận của tao được định đoạt rồi chứ gì?

Đình Văn định lên tiếng. Tôi hớt lời anh, tôi muốn Mỹ yến biết tôi là ai:

-Tụi mình giải quyết êm đẹp với nhau, mày không muốn sao yến? Tao cân nhắc kỹ lắm, mày không thấy vậy là tốt đẹp sao?

Nó cay cú nhìn tôi, tôi bình tỉnh nhìn trả lại:

-Thế nào là êm đẹp?

Tôi vẫn ôn hòa:

-Tao nghĩ, nếu phải nuôi đứa bé thì mày khó khăn hơn, dù sao chuyện cũng đã rồi. Tao giữ giùm con mày là tao cũng đã cố gắng lắm. Tao không đòi hỏi mày phải biết ơn đâu Yến, dù sao mình cũng là bạn.

Nó căm giận:

-Mày bố thí cho tao đó hả?

-Sao mày lại nghĩ vậy?

-Nếu tao không giao con cho anh Văn thì sao?

Tôi cố bình thản:

-Trường hợp đó, tao sẽ phụ với mày nuôi em bé, mày tính sao cũng được, miễn là mày thấy thoải mái.

Mỹ Yến nhìn Đình Văn như van nài tha thiết:

-Anh thấy thế nào? Em muốn biết ý kiến của anh thôi, anh giải quyết mẹ con em ra sao?

Tôi tức muốn trào nước mắt, đã đến nước cùng rồi tôi không còn gì để nhã nhặn. Nhưng điều đó còn tùy thuộc vào cư xử của Đình Văn, tôi yên lặng chờ đợi.

Đình Văn điềm tỉnh nhìn MỸ yến:

-Phượng Nhi đã giải quyết như vậy, nếu Yến thấy không được thì yến hãy suy nghĩ lại rồi tìm cách khác.

Mỹ yến nhìn Đình Văn, như muốn nói “ anh nghe lời vợ quá nhỉ” nhưng nó im lặng, có lẽ nó đủ khôn ngoan để hiểu rằng cuộc sống của nó từ nay sẽ phụ thuộc vào tôi. Điều đó làm nó nổi điên.

Tôi yên lặng nhìn đối thủ của mình đang bất lực, tìm cảm giác khoan khoái hả hê, nhưng lòng tôi lặng lờ, tôi không thể cười trong nước mắt của kẻ khác, chỉ thấy xót xa, tội nghiệp. Đâu rồi ý muốn phải trả thù?

Tôi biết trong mắt Mỹ Yến, tôi đã từng là người đàn bà vững vàng, khôn ngoan, và tôi đang trả thù 1 cách tinh vi, thôi thì nó hãy suy nghĩ theo cách của nó, nó làm sao biết được, rằng tôi phải cố gắng làm cái việc giật giành xa lạ với mình. Khi Mỹ Yến làm khổ tôi, tôi đã khao khát được thấy nó khổ, nhưng bây giờ… có phải tôi đang trả thù không đây? Không, trăm ngàn lần không, tất cả những vì tôi làm bây giờ chỉ là vì con tôi, khi Mỹ yến có con, nó sẽ hiểu điều đó.

Đình Văn quay qua tôi, âu yếm:

-Mình về chưa em?

Tôi đứng dậy:

-Mày suy nghĩ rồi hôm nào mình quyết định sau, tao về nghe.

Rồi tôi đặt xấp tiền lên bàn:

-Để mày mua sắm cho em bé, nhớ ăn uống giữ sức khỏa nghe Yến.

Gương mặt Mỹ yến rừng rực căm giận, tôi hiểu nó phải hết sức đè nén để khỏi nén xấp tiền vào mặt tôi, vì nó hiểu rằng từ nay tôi mới là người chu cấp kinh tế. Tội nghiệp Mỹ yến, tôi đâu có muốn như vậy,

Tôi đứng yên 1 lát, nhìn ngừơi tình địch của mình với cảm xúc khó tả. Vừa gay gay căm ghét, vừa tội nghiệp thương hại. Không chịu nổi nửa, tôi đi nhanh ra cửa, Đình Văn theo sát bên tôi.

Tôi ngước mặt đón làn gió đêm mát rượi, đến bây giờ mới thấy run run, tôi đã căng thẳng quá sức, đã tập trung ý chí để giải quyết 1 việc quá sức mình. Đình Văn dắt xe đi bên tôi, tay không chịu rời vòng ôm ngang người tôi, tôi hiểu anh đang yêu tôi tha thiết. Nhưng điều đó có nghĩa lý gì đâu, tôi không hề thấy quí những mãnh vụn chấp vá.

Xxx

Mỹ Yến sinh khuya hôm qua, 1 đứa con gái khỏe mạnh và như ngổ ngược ngay từ trong bụng mẹ, nó chòi đạp và khóc ngằn ngặt không ngớt. Tôi và dì Tư mệt bả người sau 1 đêm thức trắng, tôi bảo dì Tư về giữ bé Quyên, nhưng bà ép tôi về trước. Tôi biết dì Tư không thích làm cái việc khổ sai này, bà chỉ đến đây vì thương tôi, tội nghiệp người đàn bà hiền hậu này quá.

Tôi xin nghỉ phép 2 ngày, Đình Văn vẫn đi làm bình thường, anh chỉ đến thăm Mỹ Yến vào ngày nó xuất viện để bồng đứa bè về như đã giao ước. Nhưng thái độ của Mỹ Yến làm chúng tôi chới với, nó nằm đó, cười cay độc:

-Mấy người tính bắt con tôi để rủ bỏ trách nhiệm với tôi hả, đâu có dễ dàng như vậy.

Đình Văn sững sở, hoang mang. Tôi bặm môi;

-Chứ mày muốn gì? Mình đã giao ước như vậy rồi.

Nó cười khẩy:

-Dẹp ý định củ đi, tao làm mẹ nó thì tao sẽ giữ nó, mày làm sao coi được thì làm.

Đình Văn nổi giận:

-Yến muốn giữ con vì thương nó hay là muốn làm khó dể Phượng Nhi và tôi? Sao Yến thay đổi như chong chóng vậy?

Nó cười 1 cách tàn nhẫn;

-Tôi thương con nhỏ này hay không mấy người không cần biết. Chỉ cần biết tôi không giao nó cho mấy người, vậy là đủ rồi.

Tôi căn răng:

-Nếu mày muốn vậy, tao sẽ phụ nuôi đứa nhỏ, không có gì rắc rối hết.

-Nhưng nuôi ra sao đó, mẹ con tao không quen sống thiếu thốn đâu nhá.

Tôi tức uất người, giá mà được ném thẳng vào mặt nó rằng “Từ xưa đến giờ mày có bao giờ sống đủ đâu, và anh Văn chỉ chịu trách nhiệm với đứa bé mà thôi”. Nhưng tôi im lặng, tôi không thể thẳng tay với người thất thế dù biết người ấy cố tình đẩy tôi vào ngỏ hẹp. Mỹ Yến muốn qua đứa bé để bắt Đình Văn phải nuôi sống cả nó đây mà. Tôi không ngờ con bạn tôi lại tồi tệ đến mức ấy.

Đình Văn không giấu nổi sự bực tức, anh bỏ đi ra ngoài, vẻ mặt khinh bỉ. Tôi nhìn Mỹ Yến, nó trơ trơ, hình như thái độ của chồng tôi không mảy may làm nó tự ái hay bị xúc phạm.

Còn lại 2 người, tôi cố thuyết phục nó:

-Mày suy nghĩ kỹ chưa Yến? Nếu giữ đứa bé này mày làm sao đi học, rồi còn có phải có chồng nữa chứ.

-Cám ơn mày lo cho tao, nhưng tao không dễ tin bộ mặt nhân từ của mày đâu. Bây giờ giở bài ra thẳng đi, mày sợ chồng mày vì con mà tới lui phảikhông? Đừng có giở giọng nhân từ, tao nuốt không trôi.

Tôi ráng giữ bình tỉnh. Điềm nhiên nhìn nó:

-Mày thừa biết là tao không sợ chuyện đó, nói mày đừng buồn, anh Văn không còn quyến luyến mày đâu, trước đây thì có thể nhưng bây giờ thì không.

Tôi biết mình phũ phàng với Mỹ Yến, nhưng tôi không thể chịu được nữa, tôi mím môi:

-Nếu mày muốn giữ lại chút tình cảm với anh ấy thì hãy cư xử cho đẹp 1 chút.

Nó yên lặng ngắm tôi, hình như nó muốn đo lường mức độ cứng cỏi của tôi. Nhìn nó, tôi không thể tin chúng tôi đã có những ngày rong chơi thân thiết bên nhau. Bây giờ là sự đối đầu giữa 2 người đàn bà, kỷ niệm tuổi thơ chỉ còn là cái bóng.

Mỹ Yến gật gù:

-Tao phục mày giỏi đó Nhi, ít có ai biết nắm thời cơ như mày. Nhưng nên nhớ, đừng có lạm dụng quá, đời còn dài, mình sẽ còn gặp nhau nữa mà.

-Đối với tao bây giờ, vấn đề không phải là lạm dụng thời cơ, tao không như mày nghĩ đâu, tao đã nói là sẽ chu cấp cho con mày và sẽ làm như vậy. Ngoài ra mình không có việc gì để trao đổi nửa.

-Có chứ. Chuyện này mới là cần nói, vậy mày định mỗi tháng sẽ gởi tao bao nhiêu?

Trắng trợn đến vậy thì thôi. Tôi nghĩ thầm, thận trọng:

-Cái đó còn tùy mức thu nhập của anh Văn, nhưng bảo đảm là con mày sẽ sống đầy đủ.

Nói cụ thể xem

Tao không thể nói được, mầy thừa biết cuộc sống bây giờ ra sao rồi đó

Nó tặng tôi một câu đau điếng:

Trước đây anh Văn lo cho tao thừa thãi lắm, những khoản thu nhập thêm của anh ấy là tao giữ hết đó

Tôi ráng cười tự nhiên:

Tao biết tính anh Văn rộng rãi lắm. Tao thương anh ấy vì anh ấy sống đầy trách nhiệm, nếu anh Văn cư xử không tốt với mầy thì tao không phục đâu.

Mỹ Yến buông xuôi:

Vậy hả?

Nói chuyện với Mỹ Yến thật là mệt, đầu tôi cứ ong ong. Tôi đứng dậy, bây giờ mới nhớ Đình Văn chờ tôi ở ngoài

Mầy nằm nghỉ đi, tao về, để tao nhờ dì Tư đến săn sóc mầy, lúc nầy sắp thi nên tao ít có rảnh, mầy đừng trông nghe, tao sẽ nhờ anh Văn đến thường xuyên thay tao

Nó nhướng mắt, cười mỉa:

Không có anh Văn ở đây, mầy không cần tỏ ra tốt đẹp làm gì, thừa lắm

Tôi không thèm trả lời, đứng dậy ra về

XXX

Sắp thi học kỳ mà học trò tôi cứ cúp tiết liên tục, chúng nó khuấy đảo tôi đến nổi sóng, hơn một tháng tôi điên đầu vì chuyện gia đình, bây giờ phải giải quyết chuyện ở lớp. Đôi lúc tôi thấy mình đuối sức quá và chỉ muốn bỏ mặc tất cả

Hôm nay có 4 tiết dạy, vào tiết trống thứ 3 thầy hiệu trưởng gọi tôi lên văn phòng, tôi hiểu ngay chuyện gì rồi. Ong đi thẳng vào vấn đề:

Lúc này một số em ở lớp cô cứ bỏ tiết, cô có biện pháp gì chưa? Cô có nắm được danh sách mấy em đó không?

Thưa thầy, mấy em đó là học sinh cá biệt của năm trước, em cũng đang theo dõi lý do nó bỏ học

Vậy theo cô thì tại sao? Tôi thấy nó thường bỏ giờ của cô. Thường thì học sinh không dám bỏ giờ của cô chủ nhiệm

Tôi cứng họng, điều này thì rành là không chấp nhận được, bỏ học giờ của giáo viên bộ môn thì có thể châm chước, nhưng đây là giờ của giáo viên chủ nhiệm, vậy thì năng lực của tôi đã được khẳng định rồi đó. Tôi ngồi yên đầu óc rối tung. Tôi không quen chống đỡ trong trường hợp thế này

Tiếng thầy hiệu trưởng vẫn đều đều:

Cô phải lưu ý lớp cô nhiều hơn nữa, gần tới thi học kỳ rồi, nếu cô buông lỏng là cô phải chịu trách nhiệm về kết quả thi của nó. Cô có biện pháp gì chưa?

Tôi ngẩng đầu lên:

Dạ, thầy cho em một thời gian, lớp em toàn là học sinh cá biệt do được nuông chiều quá mức, em nghĩ, muốn gò nó vô khuôn khổ là phải kiên nhẫn lắm, cần phải có thời gian

Thầy gõ gõ cây viết, gật gật đầu:

Hôm nay tôi chỉ muốn trao đổi đề nắm tình hình lớp cô thôi

Tôi đứng dậy, đi ra ngoài, tôi gặp chị Ngọc ở phòng giáo viên, nhìn mắt tôi rưng rưng, chị Ngọc cười:

Bị lớp quay nữa rồi phải không, chị biết trước mà. Chuyện gì vậy?

Tôi chớp mắt, cố ngăn nước mắt:

Em không hiểu sao lúc sau này tụi nó cứ rủ nhau bỏ học, mà lại chỉ bỏ giờ của em thôi

Đứa nào vậy?

À, tụi thằng Duy, thằng Dũng đó hả?

Dạ

Mấy đứa này lúc trước ngoan lắm mà

Dạ. Chị biết không, nhiều lúc em đang giảng, nó ngồi ở dưới nói vọng lên lung tung, em phải bỏ giữa chừng để chỉnh nó

Sao không đuổi nó ra ngoài?

Em làm vậy một lần rồi, nhưng đâu lại vào đó

Rồi em làm sao? Em trị tụi nó cách nào rồi?

Tôi im lặng, làm sao tôi dám nói thật với chị Ngọc rằng tôi không làm cách nào hết, tôi không có thời giờ để quan tâm đến học trò. Làm sao tôi có thể kể với chị ấy rằng tôi đã kiệt sức vì chuyện gia đình.

Tôi nhớ ngày xưa, thầy Nam đã điều tra như thế nào khi bọn tôi bỏ học, tôi nói liều:

Em nghĩ rằng mấy đứa kia bị lôi kéo, nên em không cần biện pháp gì hết, em chỉ cần điều tra ai rủ và tìm hiểu tại sao. Vậy thôi

Chị Ngọc gật đầu:

Ừ, làm vậy được đó

Có tiếng chuông rung, tôi đứng dậy lên lớp. Giận lẫn buồn, tôi cố kềm những giọt nước mắt cứ chực trào ra, vì học trò tôi phải chịu sự nặng nhẹ thế đó, đã có lúc chúng nó là niềm vui, là hình ảnh tuổi thơ hoa mộng của tôi. Bây giờ thì tất cả đều sụp đổ, tôi thất vọng ghê gớm.

Càng gần đến lớp tôi càng thấy giận, muốn phạt chúng nó đứng suốt giờ và giảng cho chúng nó hiểu thế nào là đạo đức, kỷ luật. Như tôi hiểu điều đó không ích lợi gì cả, đối với học trò, những bài đạo đức lê thê chỉ làm chúng nó chán, hoặc lấy giờ đó làm lá chắn để khỏi phải học, vậy thôi. Và tôi đang giận, tôi không muốn giăng buồm ra khơi khi đang có sóng. Biết đâu tôi vô tình làm tro cười cho đám học trò đã đến tuổi biết phán đoán.

Tôi vào lớp giảng bài bình thường, tôi nhìn xuống bàn dưới, hôm nay chỉ có Phan Duy vắng mặt, còn lại Quốc Dũng và Nhật Vinh, chúng nó ngồi học nghiêm chỉnh, ngoan ngoãn trả lời khi tôi đặt câu hỏi, tôi hiểu rằng nếu không có Phan Duy, tôi đã chẳng phải buồn phiền về lớp mình chủ nhiệm

Khi hết giờ học, tôi gọi Quốc Dũng lên:

Em ở lại một lát, cô cần nói chuyện với em

Trong lớp chỉ còn tôi với Quốc Dũng, tôi ngồi đối diện nó, thân mật và gần gủi, tôi hỏi thăm về gia đình nó, vừa đủ để hiểu rằng chú học trò ngồi trước mặt tôi là một loại cậu ấm, quen được nuông chiều và tính hay nhu nhược. Tôi hỏi thẳng:

Sao lúc này em hay bỏ học giờ của cô vậy? Em nể lời bạn Duy nên nghỉ học theo phải không?

Thằng bé lúng túng, tránh tia nhìn của tôi;

Dạ … em…

Tôi hỏi chận:

Cô thấy Dũng học khá và thông minh nữa, cô không tin em lười học, thường mấy giờ cúp tiết, bạn Duy rủ em đi đâu hả Dũng?

Dạ, tụi em đi uống cà phê

Sao không xem phim hay đi rong, mà lại vào quán cà phê? Các em thích có không khí để tâm sự hả? Ơ tuổi các em hay gặp nhiều chuyện rắc rối lắm em có gì khó khăn cứ kể cho cô nghe, biết đâu cô có thể giúp em

Tôi quan sát những biến đổi trên mặt cậu bé, rõ ràng là nó phân vân, tôi dọ dẫm:

Cô thấy hình như các em có chuyện gì khó xử, phải không?

Dạ … cũng không có gì

Tôi phủi vết dơ trên vai áo thằng bé, ân cần:

Em không muốn nói thì cô không ép, như thấy các em bỏ học cô buồn lắm, cô sợ em học kém đi, uổng cho em

Dạ em đâu có muốn bỏ học

Mấy giờ cô lên lớp không thấy các em, cô lo lắm, em bỏ học như vậy không sợ cô buồn hả Dũng?

Thằng bé lặp lại:

Dạ… em đâu có muốn cô buồn

Vậy thì … em sợ bạn Duy buồn nên nghỉ theo bạn Duy phải không?

Dạ

Mai mốt em đừng làm như vậy nữa, hứa với cô không Dũng?

Dạ hứa

Và em khuyên bạn Duy đừng bỏ học được không? Cô tin là em làm được chuyện đó

Thằng bé buột miệng:

Tại cô nên thằng Duy nó bỏ học đó cô

Tôi ngạc nhiên nhìn Dũng, cứ sợ nghe lầm:

Tại cô à? Vậy thì em nói hết với cô đi, Duy nó nói gì với em?

Quốc Dũng im lặng, như hối hận đã nói ra điều đó, tôi không muốn để thằng bé có thời cơ phân vân, tôi hỏi tới:

-Cô là chủ nhiệm, em không nên giấu cô Dũng ạ. Bạn Duy có chuyện gì vậy em?

Thằng bé gãi gãi đầu, sợ sệt:

-Em nói chuyện này ra, cô đừng rầy thằng Duy, đừng nói với ai nghe cô, nó biết là nó sẽ giận em luôn.

-Cô hứa, em nói đi.

-… Em tin đi, cô không làm gì để các em hiểu lầm nhau đâu.

Quốc Dũng nói 1 hơi, lộn xộn:

-Dạ. Tại vì thằng Duy thấy cô có chồng nên nó tức. Nó tưởng c6 mới ra trường, em… cũng không biết nói sao nữa, nó nói nókhông ứa cô, mà em thấy cô… dạ, cô đẹp. Nó nói nó không ngờ cô có chồng rồi, dạ, nó nói nó không muốn học giờ cô nửa.

Tôi hiểu ý Quốc Dũng rồi. Thật kinh ngạc đến bàng hoàng, tôi nhìn đăm đăm vào góc lớp, chưa biết phải xử trí ra sao. Quốc Dũng nói như năn nỉ;

-Cô hứa đừng nói với thằng Duy nghe cô, em sợ nó giận em. Tại em thích cô nên em kể ra, cô đừng rầy nó nghe cô.

Tôi nói như máy móc;

-Cô hứa, em đừng sợ nữa, thôi em về đi.

Rồi sực nhớ ra, tôi gọi Quốc Dũng lại:

-Em có biết hôm nay bạn Duy bỏ học đi đâu không?

-Dạ, nó bị bệnh, bệnh hôm qua.

Tôi quyết định ngay:

-Chiều nay em rủ thêm vài bạn tới nhà cô n ghe, cô sẽ đi thăm bạn Duy với các em.

-Dạ.

Xxx

Gần 10 giờ đêm, tôi ngồi soạn giáo án nhưng không thể nào tập trung được, những điều Quốc Dũng nói và thái độ của Phan Duy lúc tối cứ ám ảnh tôi. Chiều nay tôi dẫn 1 đám học trò đến thăm thằng bé, tôi chỉ hỏi thăm nó vài câu, rồi ngồi yên nhìn chúng nó đùa giỡn với nhau. Tôi thấy Phan Duy mừng và cảm động vì sự quan tâm của tôi, nhưng thái độ thằng bé như giận tôi, bất mãn ngấm ngầm. Điều đó chắc chỉ mình tôi biết.

Tôi gạt sách 1 bên, lấy quyển sổ chủ nhiệm dò cột lý lịch của Phan Duy – 17 tuổi, cha làm giám đốc, mẹ làm cán bộ kỷ thuật. Bao nhiêu đó cũng đủ để tôi hiểu tính khí ngông nghênh của thằng bé rồi.

Tôi khoanh tay, tựa người vào ghế, cố tìm 1 cách ứng xử thích hợp. Tôi bối rối quá, khi còn đi học, không thầy cô nào dạy tôi cách xử trí những trường hợp như vậy, thậm chí không hề đề cập đến, biết tìm lời khuyên ở ai bây giờ.

Tôi cố nhớ những hành động của Phan Duy, từ ngày tôi vào lớp đến bây giờ là 1 khoảng thời gian dài, tôi đã không hề nhận ra dấu hiệu nào của tình cảm bất thường ở thằng bé. Tại tôi vô tình hay tại vì Phan Duy đủ bản lỉnh giấu kín tình cảm? Nếu Quốc Dũng không nói ra, có lẽ không cách nào tôi tìm ra được nguyên nhân nổi loạn ở cậu học trò ấy và cũng không biết xử trí ra sao.

Tự nhiên tôi cảm thấy bực mình, làm chủ nhiệm tôi phải giải quyết cả những chuyện rắc rối này nữa sao? Nếu phải là kỷ sư tâm hồn cho hàng chục đứa học trò như vậy chắc có lẽ tôi điên mất.

Và rồi 1 tình cảm khác xâm chiếm lòng tôi, tôi thấy tội nghiệp tâm hồn khờ khạo của Phan Duy, 17 tuổi chưa hiểu thế nào là tình yêu đâu. Phan Duy chỉ bị ảo tưởng về tình cảm của mình, có lẽ trong mắt cậu bé tôi là hình ảnh cô giáo trẻ, gần gủi và đồng cảm với lứa tuổihọc trò. Và tình cảm thầy trò tự nhiên ấy đã bị ảo tưởng thành tình yêu. Nhất định tôi sẽ vạch cho Phan Duy nhận thức điều ấy.

Tôi nhớ khoảng đời học sinh của mình, nhớ tình cảm lãng mạn của Mỹ Oanh với thầy Nam, điều ấy có thể chấp nhận được. Nhưng ở trường hợp Phan Duy thì không, tôi không phân tích được lòng mình, nhưng quan niệm về nền tảng đạo đức không cho phép tôi thông cảm với cậu bé. Phan Duy giống như đứa bé ngắm 1 bức tranh đẹp, với bản tính 1 đứa bé quen được nuông chiều, cậu bé xem bức tranh ấy là của mình, đến khi bị giằng ra ngoài tầm tay, cậu bé dằn dỗi ngông nghênh cho thỏa tự ái. Và tôi phải biết cách gượng nhẹ nét tâm hồn mong manh ấy.

Ngày thứ bảy tôi vào trường, Phan Duy đã đi học lại, tôi ngầm theo dõi từng hành động của cậu bé. Hôm nay chú học trò ngổ nghịch của tôi có vẻ uể oải, chẳng có dấu hiệu quậy phá, nhưng cũng không tỏ vẻ muốn học lắm. Tôi chỉ mong chú bé chịu bình thường vàp lớp là cũng đủ lắm rồi.

Tôi hiểu rằng, sẽ chẳng bao giờ tôi đem lý thuyết để dập tắt tình cảm của Phan Duy được, trái tim có tiếng nói riêng của nó, với tình cảm, mọi răn đe của lý trí đều trở nên vô hiệu. Tôi cũng không thích vai trò của 1 cô giáo lãng mạn trong trái tim Phan Duy và tôi cũng không biết mình vướng vào tình thế kỳ cục này đến bao giờ.

Giờ chơi tôi thấy Phan Duy đứng thơ thẩn 1 mình nơi cửa sổ, tôi bước tới cạnh cậu bé:

-Em khoẻ hẳn chưa Duy?

Phan Duy giật mình khi thấy tôi, rồi ngượng ngịu:

-Dạ. Em hết bệnh rồi cô.

-Sao lúc nảy cô thấy em không viết bài, em viết không kịp hả?

Cậu bé nói lúng túng:

-Dạ. Tại viết em hết mực.

Tôi không tin, nhưng vẫn mĩm cười:

-Duy này.

-Cô Ngân muốn xin em qua lớp cô ấy, và đổi bạn khác qua lớp này. Em có muốn rủ thêm bạn nào chuyển lớp với em không?

Phan Duy có vẻ bất ngờ, rồi bất mãn:

-Em không muốn chuyển lớp. Tại cô muốn đổi em đi phải không?

Tôi nhìn chú bé dịu dàng, và như bị bắt buộc:

-Chuyện này trên văn phòng quyết định, cô không biết. Làm chủ nhiệm cô cũng không thích thấy học trò mình bị chuyển đi, nhưng cô không có khả năng giữ em lại.

-Em nhất định không đi, em đâu có vi phạm gì.

Tôi giải thích:

-Không phải em đổi lớp vì vi phạm kỷ luật, mà vì cô Ngân xin cô chuyển em qua lớp đó. Cô Ngân rất thương em Duy ạ. Còn vì sao bạn kia chuyển qua đây thì cô không biết.

Phan Duy mím môi, bướng bỉnh:

-Nếu bắt em chuyển lớp thì em nghỉ học.

Tôi không thích cách đối đáp của Phan Duy, hình như cậu bé quên tôi là thầy cô chứ không phải bạn bè. Nhưng hình như học trò bây giờ rất thích đựơc bình đẳng.

-Cô nghĩ học lớp nào cũng vậy, ở đâu em cũng có bạn được, em không chuyển thì phụ lòng cô Ngân lắm.

Phan Duy có vẻ buồn:

-Em không thích học lớp cô Ngân cô ơi.

-Sao vậy Duy?

-Em.. em thích học lớp mình, vì cô chủ nhiệm lớp này.

Tôi cười:

-Ai chủ nhiệm lớp em cũng vậy thôi, cô Ngân không khó đâu, em đừng lo.

Rồi không để Phan Duy kịp phản ứng, tôi kết thúc:

-Thứ hai này có thể cô không vào trường, cô Ngân sẽ sắp xếp cho em qua lớp mới. Em đừng chống đối nhà trường nghe Duy. Nếu em bị kỷ luật, cô buồn lắm.

Thấy Phan Duy có vẻ suy nghĩ, tôi nói thêm:

-Em cứ qua lớp mới. Khi nào lớp mình cắm trại hay liên hoan thì em về chơi, chứ nếu em nghỉ học thì làm sao cô tới thăm em.

Tôi thuyết phục Phan Duy thật lâu, cuối cùng chú bé cũng đồng ý, tôi thấy nhẹ cả người và cũng không muốn hiểu vì sao Phan Duy chịu đổi lớp. Tôi tự hỏi mình có ích kỷ quá không? Tôi giải quyết có vẻ vô tâm và cưỡng bức, nhưng nếu không làm như vậy, tình cảm của Phan Duy sẽ đi đến đâu? Và tôi sẽ chịu phiền toái đến bao giờ?

Hoàng Thu Dung
Tiểu thuyết | Nhận xét(0) | Trích dẫn(0) | Đọc(4527)
Viết nhận xét
Hình vui
emotemotemotemotemot
emotemotemotemotemot
emotemotemotemotemot
emotemotemotemotemot
emotemotemotemotemot
emotemotemotemotemot
Mở HTML
Mở UBB
Mở hình vui
Ẩn giấu
Hãy nhớ
Tên gọi   Mật khẩu   Khách không cần mật khẩu
Địa chỉ web   Email   [Đăng ký]