Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Thỉnh thoảng thầy Nam đến thăm tôi và chơi với bé Quyên, bao giờ đến thầy cũng mang 1 thứ gì đó thuộc về tiện nghi trong nhà. Lúc đầu tôi thấy vui vui, nhưng càng ngày tôi càng thấy bên cạnh niềm vui là 1 niềm lo sợ mơ hồ.

Thời gian sau này thầy thường đến hơn, tôi không biết làm thế nào để ngăn cản, vì thực ra thầy Nam đến như 1 người khách, 1 người bạn…. Tôi sợ Mỹ Oanh sẽ không vui khi biết chuyện này và cảm thấy có lổi với nó. Nhưng im lặng thì tôi ái ngại vô cùng.

Sáng nay đi chợ về, tôi thấy chiếc sơ mi móc trên giá áo, bé Quyên ngồi 1 mình với quyển sách tranh mới, thấy tôi nó khoe:

-Chú Nam mua cho con nè mẹ.

-Chú Nam đâu con?

Ngay lúc đó thầy Nam từ trên cây cột tuột xuống, tôi đứng thẳng lên. Tôi đứng thẳng lên:

-Thầy làm gì trên đó vậy?

-Tôi sửa lại chổ lá bị hở. Sao bị dột mà em không nói với tôi Nhi?

-Em, em thấy phiền thầy quá, vã lại sắp hết mùa mưa rồi.

Thầy Nam đến mặc áo vào:

-Tôi không thích nghe em nói như vậy, tôi xa lạ với em lắm hả Nhi?

Tôi không biết trả lời thế nào, vừa cảm động, vừa ái ngại. Tôi lại nhói lên cảm giác có lổi với Mỹ Oanh, nhưng cụ thể là gì tôi không nói được. Tôi mong Mỹ Oanh đến quá, hôm nay chủ nhật, hi vọng nó về.

Buổi trưa bé Quyên ngủ, tôi ngồi đối diện với thầy Nam, ngoài kia trời mưa rả rích, cây cối như thêm ủ rủ, không khí trong nhà trầm lại bởi hơi lạnh. Thầy Nam đăm đăm nhìn ngoài trời, nói nhỏ:

-Em định sống ẩn mình đến bao giờ, Nhi?

-Em không biết. Thế này là em yên ổn lắm rồi.

-Em không thấy như vậy là yên ổn giả tạo à? Em còn phải lo tương lai cho con em nửa chứ. Ơ 1 nơi như thế này bé Quyên thiệt thòi em biết không?

-Em biết, nhưng em không thể làm gì khác được, bây giờ em…

Tôi lắc đầu, lãng chuyện:

-Thầy mất thời giờ vì em nhiều quá, em ngại lắm, em biết thầy muốn giúp đở em, nhưng còn công chuyện của thầy thì sao? Mai mốt thầy đừng…

Tôi cố tìm 1 khái niệm để diễn đạt tế nhị, nhưng không tìm nổi, thầy Nam tiếp lời:

-Đừng tới đây nửa phải không? Tôi sẽ không đến nếu em không thích, còn công chuyện của tôi thì không có gì nhiều, thời gian này tôi chỉ nhận dạy thêm 1 lớp, nhàn lắm.

Tôi kêu lên:

-Sao thầy lại bỏ như vậy? Còn các khoản thu nhập…

Thầy Nam xua tay:

-Tôi thấy không cần thiết lắm.

Tôi im lặng, cảm thấy đời bất công quá. Trong khi tôi đang cần 1 việc làm dù chỉ nhận được đồng lương ít ỏi, thì thầy Nam sống thoải mái đến độ không cần làm thêm gì cả.

Thầy nam trở lại câu chuyện bị bỏ dở lúc nảy:

-Tôi không dám tò mò về đời tư của em, nhưng tôi thấy em nên nghĩ đến tương lai của con em. Em thấy đó, ở đây bé Quyên bị thiệt thòi quá, và em cứ sống thế này cũng sẽ đi đến chổ bế tắc. Tôi hỏi điều này em đừng nên giấu. Tiền đâu mà em sống hả Nhi?

-Em có vàng của mẹ em cho, trước khi mẹ em đi.

-Chỉ có bao nhiêu đó thôi?

-Dạ.

-Sao em không viết thư xin tiền gia đình?

-Em bị mất liên lạc với ba mẹ em mấy tháng nay, nếu muốn biết địa chỉ mới thì em phải về gặp chồng em, mà… chỉ nghĩ đến việc gặp anh ấy là em chịu không nổi, em đành buông trôi tất cả.

Thầy Nam với tay rút 1 điếu thuốc, châm lửa hút. Nhìn nét mặt nghiêng nghiêng của thầy lung linh ánh lửa, tôi nhói đau nhớ đến Đình Văn, lúc ở nhà tôi thích nhìn nét mặt đăm chiêu của anh trong khói thuốc.

Tôi nhìn lảng ra ngoài trời, ở ngoài kia mưa vẫn bay lất phất.

Tiếng thầy Nam trầm trầm:

-Em phải xin đi dạy, em không thể sống thế này hoài đâu Nhi.

Tôi cúi đầu, nhìn xuống đất:

-Có lúc em muốn vậy, nhưng hồ sơ của em còn ở thành phố. Lúc bỏ đi em cũng không làm đơn xin nghỉ, bây giờ muốn rút về cũng khó.

-Chuyện đó đâu có khó, nếu em muốn đi dạy tôi sẽ lo cho em mọi việc, em có thích về dạy trường cũ không?

-Dạ thích, nhưng…

Tôi ngồi yên, suy nghĩ mãi, trong tôi mâu thuẩn giữa ý muốn từ chối và nhận lời. Tôi không muốn nhờ vã thầy Nam, nhưng nếu không như vậy thì làm sao tôi có việc làm. Tôi càng thấy hận Đình Văn, lẽ ra anh phải có trách nhiệm với tôi, với vợ anh, chứ không phải là để người khác lo như vậy. Tôi mím môi, tức trào nước mắt.

Thầy Nam đến bên tôi, nâng mặt tôi lên quan sát:

-Chuyện gì vậy Nhi?

-Dạ, đâu có gì đâu.

-Sao em khóc vậy? Em không thể nói với tôi đựơc sao? Tôi không đủ để em tin cậy sao?

Tôi gạt nước mắt, ngồi xuống ghế, thầy Nam vẫn đứng yên đối diện với tôi. Giọng thầy như dỗ dành đứa trẻ:

-Đến lúc em nên nói ra đi Nhi, đừng giữ trong lòng nửa. Những uẩn khúc nếu nói ra em sẽ nhẹ nhàng hơn, tôi biết cách khuyên em phải làm gì mà. Em nói đi.

-…

-Lâu lắm rồi, tôi chờ được nghe em thố lộ chuyện bất hạnh của em. Tôi nghĩ đã đến lúc em nên nói hết những chất chứa trong lòng mình.

Tôi khóc nức nở:

-Từ lâu rồi em không muốn nhắc tên anh ấy nửa, cũng cố đừng nhớ, mỗi lần nhớ em chỉ thấy hận, nhưng không cách gì em quên được.

Tôi kể với thầy Nam mọi chuyện, từ cái đêm tôi bắt gặp chồng tôi thương yêu Mỹ yến, đến cả những chuổi ngày dằn dặt vì bé Nga. Những cay đắng đã đi qua, bây giờ nhìn lại càng xé nát lòng tôi. Từ lâu rồi tôi không dám nhớ, giờ đây, khi nhìn thẳng vào quá khứ tôi thấy tim tôi đau thắt, như đang sống lại quãng đời kinh khủng đó. Và tôi khóc.

Tôi không hay thầy Nam đã giữ tay tôi trong tay thầy, khuôn mặt chìm trong nổi đau đớn. Rồi như không kiềm chế được xúc động, thầy ôm tôi vào lòng, vuốt nhẹ tóc tôi, giọng thầy hơi run, xao xuyến:

-Tôi không ngờ em phảikhổ như vậy, tôi sẽ đền bù những gì em đã mất, vì em sinh ra không phải để chịu khổ. Em phải hiểu là tôi không chịu nổi khi thấy em phải sống thế này.

Tôi rùng mình, vòng tay thầy êm ái quá, cám dổ quá, tôi lo sợ ngồi yên.

Rồi tôi thì thầm:

-Đừng làm vậy thầy, em sợ lắm.

Như chợt nhớ ra, thầy Nam vội vàng buông tôi ra, quay mặt đi:

-Xin lổi em, lẽ ra tôi không nên làm như vậy.

Tôi lấy khăn lau mặt, cơn xúc động lắng xuống, tôi bình thản:

-Nói ra được em cảm thấy nhẹ, có lẽ em sẽ thanh thản hơn khi nhìn về quá khứ, dù sao thầy cũng đã giúp em 1 lần nhìn lại mình.

-Nhưng có 1 điều em chưa hiểu chính em.

-Điều gì hả thầy?

Thầy Nam nhìn tôi chăm chú:

-Em còn yêu chồng em không?

-Không, không bao giờ yêu, em chỉ thấy hận, không bao giờ em có thể yêu 1 ngừơi đã phản bội em.

-Em bình tỉnh đi Nhi, nói như vậy là em cũng chưa hiểu hết tình cảm của em đâu. Tại sao em không thử gặp anh ấy 1 lần, để kiểm tra lại lòng mình.

-Thầy mà cũng khuyên em như vậy sao?

-Tôi nói thật, em nên gặp lại chồng em 1 lần, rồi sau đó nếu không thể sống chung thì chia tay cũng không muộn.

-Anh ấy sẽ bắt con em, mà không có nó thì em sống để làm gì?

-Anh Văn chắc không nở làm như vậy với em đâu, vã lại anh ấy đang giữ đứa con riêng mà. Em cứ về gặp lại chồng em, giãi bày với nhau 1 lần, sau đó em sẽ không còn thấy vướng bận nửa nếu em thực sự không còn yêu anh ấy. Em bỏ đi lúc cả 2 bên đều còn nóng giận, ít ra em cũng phải nghe giải bày chứ.

Tôi cương quyết:

-Em thấy không cần thiết.

-Em sợ bị lung lạc phải không, Nhi?

Tôi hoang mang, có lẽ thầy Nam nói đúng… nhưng tôi không tin Đình Văn tìm cách lung lạc tôi. Nếu tôi gởi bé Quyên cho anh, chắc anh cũng chẳng tìm tôi làm gì.

Tôi nghiêm nét mặt:

-Em không sợ gì hết, thầy đừng bao giờ nhắc lại chuyện này nửa, thầy hứa đi.

-Thôi đựơc, tôi sẽ không nhắc đến nửa, em tin tôi đi. Bây giờ nói chuyện hiện tại, em cần phải đi dạy để nuôi con em, em nghĩ sao?

Tôi im lặng, tôikhông muốn phải mang ơn thầy Nam, nhưng lúc này tôi làm sao khác được. Thấy tôi không trả lời, thầy Nam mỉm cười:

-Em cố tình không hiểu tôi, thôi được. Em không cần phải nói ra.

Thầy nhìn đồng hồ:

-Bây giờ tôi về.

-Dạ.

Thầy Nam về khoảng 1 tiếng, Mỹ Oanh đến tôi:

-Sao tới bây giờ mới xuống tao.

-Sáng nay phải ở nhà, bận công chuyện, tối tao ngủ ở đây rồi sáng mai xuống trường luôn.

Buổi tối, tiếng dế, tiếng ếch nhái kêu nghe buồn não người, Mỹ Oanh thở dài:

-Tao không biết chừng nào mày mới thoát khỏi cảnh sống này. Ba mẹ mày với anh Văn mà biết như vậy… khổ chịu gì nổi.

Tôi không quan tâm nghe Mỹ Oanh nói, tôi loay hoay tìm cách nói như thế nào để nó hiểu đúng chuyện giữa tôi và thầy Nam, có lẽ tôi không cần nói, chỉ cần Mỹ Oanh ở đây với tôi, mọi chuyện sẽ chấm dứt.

-Mai mốt về ở đây với tao luôn đi Oanh.

-Sao vậy? Mày chưa quen ở 1 mình hả?

-Ừ. Tao muốn có mày ở đây.

-Hơi khó. Nhỏ Nga có chồng rồi, nhà đâu còn ai nửa, tao bỏ đi như vậy má tao buồn.

-Vậy thì về mày chạy xuống tao, được chứ?

-Sao lúc này mày hay bảo tao ở đây vậy? Có chuyện gì không?

Tôi rủ rỉ:

-Tao muốn mày có điều kiện tiếp xúc với thầy Nam.

Mỹ Oanh cảm động:

-Tao biết mày lo cho tao, nhưng vài tháng nửa tao đã về dạy chung trường với thầy rồi, bây giờ không có điều kiện.

Tôi không biết nói gì thêm, đành im lặng. Mỹ Oanh chợt nói;

-Để tao nhờ anh Vĩnh chuyển hồ sơ về đây cho mày đi dạy nghe Nhi?

Tôi lúng túng:

-Tao muốn lắm, nhưng đừng làm phiền người ta như vậy Oanh, mày đâu có nhận lời anh Vĩnh, đừng lạm dụng người ta quá.

Rồi tôi kể cho Mỹ Oanh nghe ý đình của thầy Nam, nó gật đầu:

-Nhận lời đi Nhi, thầy Nam có ý giúp đở mày, từ chối như vậy hơi kỳ.

-Không được đâu Oanh, tao sẽ mang ơn thầy Nam rồi không có cách gì trả được.

Không nén được, tôi bặm môi:

-Tại sao anh Văn không lo cho tao mà đổ trách nhiệm cho thầy Nam chứ, càng nghĩ tao càng thấy giận anh Văn.

-Mày vô lý quá. Tại tự mày bỏ đi chứ có ai xua đuổi đâu. Mà có muốn lo cũng không biết mày ở đâu. Mày trốn kỹ quá mà.

Nó im lặng 1 lát, rồi nói tiếp;

-Thấy tình cảnh của mày như vậy, ai cũng muốn giúp đở. Thầy Nam làm vậy là đúng, mày đừng từ chối.

Tôi lại nằn nì Mỹ Oanh:

-Mai mốt mày về đây thừơng đi Oanh, hứa không, chủ nhật là tao chờ mày đó.

-Nhỏ này, làm gì mà cứ đòi tao xuống hoài vậy?

-Cho có bạn với tao thôi, không có gì hết.

Nó gật đầu, tôi thấy yên tâm 1 chút, không hiểu sao đầu óc tôi cứ vương vấn cử chỉ của thầy Nam lúc trưa.

XXX

Tôi được nhận về trường củ và dạy lớp 11. Hình như tôi có duyên với con số này, nhớ lại lần đầu tiên đi dạy và rơi vào lớp Phan Duy. Tôi thấy đó là 1 khoảng thời gian xa xăm, Phan Duy với tình cảm học trò vụng dại, rồi Duy Phong với cơn lốc tình yêu cuồng nhiệt, cả 2 đã đi vào đời tôi và trở thành kỷ niệm khó quên.

Được về dạy ở 1 nơi mình đã từng học, tâm hồn tôi đôi lúc bảng lảng giữa thực tại và quá khứ. 1 băng đá, 1 lớp học, 1 tàng cây… tất cả đều giữ lại vết tích của 1 thời hoa mộng. Tôi cảm thấy mình trở lại với tuổi học trò.

Nhưng niềm vui bao giờ cũng mong manh trước thực tế khắc nghiệt. Mỗi ngày đến trường tôi phải đạp xe gần 5 cây số, gặp những ngày gió ngược, vào đến trường tôi chỉ còn biết ngồi thở. Và tôi sợ nhất những buổi trưa đói lả, lúc vào tiết cuối, tôi gắng gượng giảng cho hết bài, run lên vì đói, đến nổi không còn hơi sức đâu mà giận khi học trò ồn ào. Và đối với đồng nghiệp, tôi cũng không còn sức để quan tâm đến mọi người chung quanh mình.

Không biết từ lúc nào đó, tôi trở thành cái bóng của chính mình ngày xưa.

Sáng nay tôi có giờ dạy, vào tiết trống thứ ba, tôi ngồi 1 mình nơi phòng giáo viên, cảm thấy chóng mặt. Tôi khép hờ cánh cửa rồi chuồi mình nằm xuống chiếc ghế dài. Chợt thầy Nam đi vào, tôi giật mình cố gắng ngồi dậy, sửa lại tóc, thầy Nam nhìn tôi lo ngại:

-Em sao vậy Nhi?

-Da không có gì, em hơi mệt một chút.

-Sao mặt em xanh quá vậy? Bệnh phải không?

Tôi chống chế:

-Không, em mệt tí thôi.

Thầy Nam vẫn đứng yên nhìn tôi, rồi ra lệnh:

-Em ra ngoài này với tôi, tôi muốn nói chuyện với em.

Tôi im lặng đi bên thầy, thầy Nam đưa tôi ra 1 quán gần trường, gọi cho tôi tô phở và thầy ly cà phê, tôi lúng túng cản lại:

-Đừng gọi thầy, em không thể ăn thế này được.

Thầy Nam thản nhiên:

-Em phải ăn chút gì mới được, nếu không hai giờ cuối em không giảng nổi đâu.

Tôi vừa cảm động, vừa thấy xấu hổ, tôi không muốn mình bị phơi bày đời thừơng trần trụi như vậy. Với Mỹ Oanh thì có thể, nhưng thầy Nam thì không.

Khi tô phở được mang ra, thầy Nam săn sóc lấy gia vị cho tôi, rồi yên lặng hút thuốc nhìn tôi ăn. Tôi ăn như 1 cực hình, nhưng vẻ quan tâm chân thực của thầy xoa dịu nổi ngại ngùng của tôi.

Thầy nhìn tôi ân cần. Lo lắng:

-Em đừng nên coi thường sức khỏe nghe Nhi, thấy em như vậy tôi không yên tâm.

-Em ăn uống bình thường đó chứ thầy, thầy đừng có…

-Đừng giấu tôi, tôi biết em sống ra sao mà.

Tôi cúi gằm mặt, ngại ngùng, chẳng lẽ tôi bê bối đến độ ai cũng nhìn thấy như vậy.

Giọng thầy Nam bình thản:

-Em ngốc lắm, việc gì em phải che đậy cuộc sống thực của em với tôi. Tôi biết em bị đói thường xuyên và thường cho học trò chép bài vào tiết cuối, vì em giảng không nổi, đúng không?

Tôi kêu lên kinh ngạc:

-Làm sao thầy biết, ai nói với thầy vậy? Như vậy là trong trường này ai cũng biết em bê bối, ai cũng biết em…

Tôi nghẹn lời, phát khóc lên vì xấu hổ, thầy Nam dịu dàng:

-Em đừng lo vớ vẩn như vậy, ngay cả Mỹ Oanh cũng không hiểu hết tình trạng của em đâu, nhưng tôi thì hiểu và em không nên giấu tôi điều gì cả.

Tôi thấy cổ họng đau nhức, muốn khóc mà không khóc được. Không lẽ thầy Nam hiểu tôi phải nhịn ăn sáng để mua quà cho bé Quyên? Tôi biết với đồng lương ít ỏi mà tôi nhận, thầy Nam hiểu tôi túng thiếu, nhưng hiểu cả những điều nhỏ nhặt như vậy thì… tôi chịu không nổi, trần trụi quá.

Giọng thầy Nam vẫn đều đều:

-Vàng của ba mẹ em cho đã hết rồi phải không?

Tôi gật đầu thú nhận.

-Em có muốn liên lạc với ba mẹ không?

-Em muốn, nhưng như vậy thì phải… thầy hiểu rồi đó, cho nên em chờ vài năm nửa, hy vọng ba mẹ về tìm em.

-Từ đây đến lúc đó lâu quá, em đành sống với đồng lương chết đói sao?

Tôi cúi mặt, mân mê mép bàn:

-Em định nhờ thầy giới thiệu em làm cho tiệm bán áo gối cạnh nhà thầy, em biết thêu, thầy có thể giúp em không?

Thầy Nam khoát tay, lắc đầu, như không muốn dính líu đến những chuyện vụn vặt.

Rồi thầy gọi tính tiền, tôi thấy 1 chút hụt hẫng, buồn buồn. Tại sao thầy Nam chạy ngược xuôi lo cho tôi về trường, mà lại từ chối sự giúp đở nhỏ nhặt như vậy. Tôi buồn, nhưng không dám trách, tôi đâu có quyền đòi hỏi.

Mấy ngày sau tôi ít có dịp gặp riêng thầy Nam, thầy cũng không đề cập đến việc xin giùm tôi chổ làm, tôi cảm thấy hơi quê và tự ái.

Giờ chơi hôm nay tôi gặp thầy ở hành lang, chúng tôi đi ngược chiều nhau, thầy Nam nhìn tôi:

-Trưa nay có lương đó Nhi, em nhớ lãnh giùm tôi.

Rồi thầy đi thẳng.

Ngày hôm sau thầy Nam không có giờ nên không vào truờng, đến thứ bảy tôi gặp thầy ở thư viện, tôi ngồi xuống cạnh thầy:

-Em gửi thầy tiền lương.

Thầy Nam buông tờ báo xuống:

-Em giữ dùm tôi đi, có lương tôi hay xài phí lắm.

Thầy đứng dậy đi về phía bàn mượn sách. Tôi định mở miệng thì thầy quay lại;

-Thư viện mới mua mấy tác phẩm văn học, hay lắm Nhi, em nên mượn đọc.

Tôi không trả lời thầy Nam, tôi hiểu rằng thầy cố ý giúp đở tôi. Tôi sẽ không để xảy ra như vậy nửa.

XXX

Sáng nay tôi dậy muộn, cảm thấy nhức đầu kỳ lạ. Tôi rơi vào trạng thái tỉnh mê mơ màng, tôi hiểu mình bệnh rồi. Tôi cố ngồi lên nấu cho bé Quyên gói mì, rồi nằm vật ra giường, cảm thấy bồng bềnh, quay cuồng 1 cách khó chịu, tôi nhắm mắt cố ngủ.

Tôi cứ nằm như vậy đến trưa. Rồi tôi nghe có tiếng người ở ngoài, hình như có ai đó tới, thầy Nam hay Mỹ Oanh? Lúc này tôi cần Mỹ Oanh ghê gớm. Tôi cố ngẩng đầu lên xem ai, nhưng động tác đó chỉ làm tôi mệt nhoài, tôi nằm vật xuống.

Im lặng khá lâu. Tôi cảm thấy 1 bàn tay đặt lên trán, mát lạnh dể chịu, tôi cố mở mắt, thầy Nam đang đứng bên cạnh giường, cúi xuống tôi, tôi nghe giọng thầy lo ngại;

-Sao nóng quá thế này, bị cảm sốt rồi.

Hình như thầy bỏ đi đâu đó, có lẽ lâu lắm, tôi không còn khái niệm về thời gian nửa, cho đến khi thầy nâng tôi lên, kề ly sữa vào miệng tôi:

-Em uống đi.

Tôi cố ngồi thẳng lên, cầm ly sữa trên tay thầy, uống từng ngụm, rồi ngoan ngoãn uống thuốc. Thầy Nam đặt tôi nằm xuống, sửa đầu tôi ngay ngắn trên gối:

-Em ngủ đi, tôi ở đây trông chừng bé Quyên cho em.

Rồi thầy vén tóc trên trán tôi:

-Em nhức đầu lắm phảikhông?

Tôi khẻ gật đầu, thầy thoa dầu lên trán tôi, xoa nhẹ 2 bên thái dương, tôi cảm thấy dễ chịu lạ lùng. Tôi khép chặt mắt, lơ mơ trong giấc ngủ. Tôi nghe tiếng thầy nhẹ nhàng:

-Ngủ đi Phượng Nhi.

Thầy Nam đứng dậy ra ngoài, tôi lại thiếp đi.

Tôi thức dậy với cảm giác như có ai đó chạm vào mặt, hơi thở đàn ông mơn man trên mặt tôi, nghe thoảng cả mùi thuốc lá, tôi mở mắt. Thầy Nam ngồi thẳng lên nhìn tôi, hơi bối rối.

Hình như thầy Nam thở rất mạnh.

Tôi lại chìm vào cơn mê.

XXX

Tôi tần ngần đầy cánh cổng đi vào sân rồi bước vào phòng khách, vẫn không thấy 1 bóng người. Ngôi nhà có vẻ vắng lặng quá. Tôi cứ đứng 1 chổ, nhìn quanh phòng, đồ đạc vẫn như xưa, chiếc ghế đặt ở góc phòng vẫn còn đó, chiếc ghế mà ngày xưa tôi hay ngồi mỗi lần đến đây.

Thanh Hằng từ trên nhà bước xuống, đến giữa cầu thang thấy tôi, cô ấy đứng khựng lại, rồi chạy nhanh xuống:

-Chị Nhi đó phải không? Trời ơi, chi Nhi về hồi nào vậy?

Tôi để yên tay tôi trong tay cô em bạn dâu:

-Mẹ bệnh nặng lắm hả Hằng?

-Dạ, nặng lắm.

-Vậy sao?

Tôi đi nhanh lên lầu, Thanh Hằng cản lại:

-Mẹ mới ngủ được, chị đừng lên, chị ngồi với em chút đi.

Rồi Thanh hằng kéo tôi đến bộ salon, ngồi cạnh tôi:

-Lúc này chị ở đâu chị Nhi? Sao chị biết mẹ bệnh? Chị về thăm mẹ phải không?

-Không, chị đi thành phố có công việc, lúc nảy ghé qua thăm dì Tư mới biết mẹ bệnh… Chị đến thăm mẹ rồi về.

-Mẹ mong gặp lại chị lắm chị Nhi? Chị biết mẹ nói với anh Văn sao không. Mẹ nói mẹ chết mà không gặp mặt chị chắc mẹ chết không nhắm mắt.

Một giọt nước mắt rớt trên mặt tôi, tôi lau vội rồi nhìn Thanh hằng:

-Mẹ không còn hy vọng hả em?

Thanh Hằng gật đầu nghiêm trang. Tôi thấy đau xót quá, tôi hỏi thăm:

-Lúc này chú Khang làm ăn khá không Hằng?

-Vẫn như xưa chị ạ.

Im lặng 1 lát, Thanh Hằng nắm tay tôi:

-Từ lúc chị bỏ đi tới giờ chị ở đâu và chị làm gì?

Tôi lãng tránh:

-Chị đi dạy bình thường. Nhà mình sao vắng vẻ quá vậy Hằng?

-Từ lúc mẹ bệnh tới giờ trong nhà mình buồn lắm chị, anh Khang đi làm tối ngày, có mình em với ba ở nhà. Anh Văn thì ngày nào cũng ghé qua thăm mẹ rồi về, trong nhà đâu còn ai.

-Em chưa có cháu nào à?

Thanh Hằng mĩm cười:

-Em đang có, 3 tháng rồi chị.

Tôi vỗ nhẹ lên tay Hằng:

-Mừng cho em.

Tôi đứng dậy:

-Để chị lên chào ba.

Thanh Hằng đi theo tôi lên lầu, ba chồng tôi đang ngồi 1 mình trong ghế bành, ông có vẻ cô độc, buồn lặng.

Tôi nói khẻ:

-Thưa ba, con mới về.

Ong giật mình quay lại:

-Phượng Nhi đây hả con, con mới về đó hả. Lúc này con ở đâu, con về mà có đem bé Quyên về không?

Ong hỏi liên tục. Tôi đứng lại trả lời ông, rồi vào phòng người bệnh. Tôi nôn nóng gặp bà từng phút.

Mẹ chồng tôi đang ngủ, tôi đẫy nhẹ Thanh Hằng ra cửa rồi ngồi xuống cạnh giường.

Tất cả nỗi nhớ mong lâu nay dằn dặt tôi. Bây giờ ngồi đây, tôi vẫn không tin mình thực sự gặp lại bà mẹ chồng mà tôi yêu thương. Đối với tôi, bà là người phụ nữ duy nhất sau mẹ tôi thật sự lo lắng, yêu thương tôi. Những ngày sống 1 mình, bên cạnh nổi nhớ Đình Văn, tôi hay tưởng tượng về bà. Giờ đây tôi không tin trước mặt là người phụ nữ đã che chở cho tôi, bà bây giờ chỉ còn là một thân xác sắp lìa đời, tôi không làm sao quen được ý nghĩ đó.

Tôi ngồi bên cạnh giường, nhìn người phụ nữ sắp từ bỏ cuộc đời này mà đi, cảm thấy tủi thân, tự nhiên tôi ứa nước mắt.

Cánh cửa bị đẩy nhẹ, tôi quay đầu ra nhìn rồi đứng phắt dậy. Đình Văn.

Anh có vẻ bất ngờ và nhìn tôi trân trối, tim tôi đập loạn cuồng trong lồng ngực, tôi thấy tay chân lặng ngắt, chới với.

Trong khoảnh khắc, tôi thấy mình được ôm gọn trong vòng tay Đình Văn, nghe cả tiếng tim anh đập mạnh. Giọng anh đứt quãng, mê man:

-Em thật đây hả Nhi? Trời ơi, anh không ngờ.

Anh xiết cứng ngừơi tôi, hôn tới tấp lên mặt, lên cổ tôi, lập cập. Anh nói miên man như trong niềm vui cuồng loạn:

-Anh không ngờ gặp em ở đây, anh mừng quá Nhi ơi. Anh tin sẽ có ngày gặp lại em và anh cứ chờ đợi. Sao em làm khổ anh vậy Nhi? Em đành lòng nào bỏ anh như vậy.

Tôi choáng ngợp trong xúc động tột cùng. Tôi thả mình theo cảm xúc đưa đẩy, và tôi yếu mềm trong vòng tay cuồng nhiệt của anh.

Đây là giấc mơ có thực. Tôi đã từng nằm mơ thấy anh, mơ thấy giây phút này. Những ngày tháng vò võ cô đơn, tôi đã khao khát gặp lại anh, được nép mình yên ổn trong lòng anh, để mà nghe anh thủ thỉ vổ về, để cảm thấy được che chở, bảo vệ.

Và trong giây phút này, tôi quên tất cả nổi đắng cay, hờn giận, quên tất cả mọi thứ xung quanh để đắm mình trong cảm giác ngất ngây. Môi chúng tôi xoắn xít không rời nhau nổi, ôi, tôi yêu anh đến tuyệt vọng.

Ơ ngoài kia có tiếng trẻ con vang lên:

-Ba ơi.

Tiếng của bé Nga.

Tôi giật mình choàng tỉnh, và trở về với thực tại chán chường. Lòng tôi như băng giá, tôi đẩy Đình Văn ra.

Anh nhìn khuôn mặt tỉnh táo, giận hờn của tôi. Nét mặt anh ngơ ngẩn, rồi cau lại bực dọc. Anh bước ra cửa, tôi nghe tiếng anh khô khan:

-Con xuống dưới chơi đi.

Rồi nhìn về phía giường, thấy mẹ vẫn còn ngủ, Đình Văn nắm tay tôi:

-Em qua đây Nhi.

Tôi rút tay ra, cố trấn tỉnh lại:

-Không, tôi ở đây chờ mẹ thức dậy, tôi bận lắm.

Đình Văn nói nhỏ;

-Mình còn nhiều chuyện phải nói, ở đây không tiện đâu em.

Tôi lắc đầu:

-Tôi không có chuyện gì để nói hết, nghe tin mẹ bệnh nên tôi về thăm, ngoài ra tôi không cần gặp ai khác nửa.

Đình Văn ngồi xuống cạnh tôi;

-Sao em xa lạ với anh vậy Nhi? Lâu lắm mới gặp lại em, anh mừng thế nào em biết rồi đó, còn em thì lạnh lùng như vậy sao?

Tôi nhìn ra cửa sổ, bình thản:

-Tôi chỉ về thăm mẹ rồi đi, không có gì anh phải vướng bận, mong anh đừng quá quan tâm đến tôi.

Đôi mắt Đình Văn như muốn nuốt chửng lấy tôi:

-Tại sao em không đem bé Quyên về cho anh? Em biết anh tìm em khổ sở thế nào không? Em giận hờn nhiêu đó chưa đủ sao?

Thấy tôi im lặng, Đình Văn lay tôi:

-Em muốn trả thù anh đến chừng nào nửa?

-Tôi không hề giận, cũng không muốn trả thù, tôi đi vì lo tương lai của con tôi.

Đình Văn hơi lớn tiếng:

-Lo tương lai con em? Em lo mà em hành động như vậy sao? Em đành lòng để nó sống thiếu thốn như vậy sao?

Tôi quay phắt lại:

-Sao anh biết nó thiếu thốn? Mà nếu nó thiếu thốn đi nửa tôi cũng thấy thanh thản, còn hơn để nó sống trong 1 gia đình nát bét như vậy.

Đình Văn bình tỉnh nhìn tôi:

-Tại sao lúc bỏ đi em không mang gì hết vậy? Chỉ có bao nhiêu vàng của mẹ thì sao em đủ sống trong ngần ấy thời gian?

Tôi im lặng, Đình Văn nôn nóng:

-Bây giờ em sống thiếu hụt lắm phảikhông? Em nói đi, ai lo cho em?

Tôi thờ ơ:

-Anh quan tâm đến chuyện đó làm gì? Không cần thiết.

Đình Văn đấm tay lên thành ghế:

-Không cần thiết à? Em và bé Quyên là cái gì của anh hả Nhi? Anh là người thế nào mà để vợ con sống nghèo túng như vậy, em trừng phạt anh nặng nề quá.

-Sao anh biết tôi nghèo túng?

Đình Văn hỏi lại:

-Vậy chứ em làm gì để kiếm tiền? Ngoài việc đi dạy ra em làm được gì? Trong khi em cũng không nhận được tiền của ba mẹ. Em tưởng anh mù hả mà không thấy em ăn mặc nghèo nàn thế này. Và em thì xanh xao thế này.

-Cám ơn anh đã có nhã ý săn sóc cuộc đời tôi, nhưng tôi không cần những thứ đó, cái tôi cần đã mất rồi.

-Em tàn nhẫn thật, anh cho em cả cuộc đời anh, em vẫn thấy chưa đủ, em…

Tôi ngắt lời:

-Tôi không cần nhận những thứ không trọn vẹn, thà tôi mất tất cả, còn hơn nhận ở anh toàn sự phản bội. Nhưng thôi, đừng nhắc lại chuyện cũ. Hay tin mẹ bệnh nặng nên tôi về thăm, và tôi không dám quầy rầy anh nhiều, tôi chỉ ở tạm đây vài ngày rồi về.

-Về đâu?

-Về nhà tôi, tôi cũng có 1 căn nhà, 1 tổ ấm cho mẹ con tôi, anh tưởng tôi không làm nổi chuyện đó sao?

-Nhà em ở đâu?

Tôi bặm môi:

-Đừng hỏi những điều mà tôikhông muốn trả lời.

-Tại sao em không đem bé Quyên về thăm bà nội nó?

-Tại vì… thực ra tôi cũng không biết mẹ anh bệnh. Tôi lên đây có công chuyện, tình cờ gặp dì Tư tôi mới hay. Anh thấy đó, tôi không mang theo gì cả.

-Em lo công chuyện gì? Xong chưa?

-Xong rồi.

Rồi tôi hỏi thăm:

-Con anh lúc này ra sao? Nó đi học chưa?

Đình Văn quắc mắt nhìn tôi, im lặng. Tôi biết anh tức câu hỏi của tôi.

Anh nghiến răng:

-Tại sao lúc nào em cũng đẩy anh ra xa hết vậy? Em cố tình không hiểu tình yêu của anh đối với em?

Tôi đăm đăm nhìn phía chiếc giừơng, như không nghe anh nói, anh lay tôi:

-Đừng giả vờ nửa Nhi. Em phải nghe anh nói.

Tôi gở tay anh ra:

-Tôi không muốn nghe gì nửa hết. Không muốn nhắc lại chuyện cũ nửa.

-Không, em phải nghe anh, em phải thấy em bỏ đi như vậy là làm khổ anh và làm hỏng tương lai bé Quyên, sao em nông nổi quá vậy?

Tôi nghe đau nhói, Đình Văn đã nói đúng, tôi đã làm hỏng tương lai con tôi, tôi cứng rắn:

-Tôi không nông nổi, và chuyện tôi ra đi cũng không phải là chỉ do hờn giận. Tôi không chịu được cảnh sống khổ tâm như vậy, tôi nghĩ anh hiểu lắm chứ.

Càng nói tôi càng xúc động, run giọng:

-Cho đến chết tôi cũng không quên câu nói của anh đâu.

Đình Văn ngẩng đầu lên, hơi ngơ ngác:

-Anh đã nói gì?

Tôi thở mạnh:

-“ Mặc nó” anh quên rồi sao? Khi bé Nga cắn bé Quyên tôi bảo anh xử thì anh bảo mặc nó, sao anh quên dễ dàng vậy?

Đình Văn ôm đầu:

-Trời, chỉ 1 câu nói vô tình lúc nóng giận mà em nhớ lâu vậy sao?

-Vì tôi biết câu nói đó là suy nghĩ thật nhất của anh đối với con tôi.

-Em bỏ đứt từ con tôi được không Nhi? Bé Quyên không phải là con anh hả?

-Thái độ của anh đã nói với tôi như vậy.

Đình Văn lắc đầu, như ngao ngán. Tôi nói tiếp, thù hận:

-Lúc đi tôi để lại đơn ly dị, để Mỹ Yến có trở lại với anh thì anh có gia đình mới, có 1 người mẹ lo cho con anh, anh không thấy tôi nhường nhịn quá mức sao?

-Em nhường nhịn hay em muốn giết anh?

Tôi không trả lời, đứng dậy đến bên cửa sổ:

-Tôi thấy nói chuyện bao nhiêu đó đủ rồi.

-Chưa đủ.

-Tôi nhức đầu lắm.

Cả 2 yên lặng, tôi nhìn về phía giường, mẹ chồng tôi vẫn ngủ mê. Nhìn bà tôi thấy lòng se lại, sau mẹ tôi thì bà là người thứ hai thực sự thương yêu tôi, nâng đở tôi. Vậy mà bây giờ tôi sắp mất bà, còn mẹ tôi thì ở tận nơi xa.

Cách cửa bật mở toang, bé Nga lửng thửng đi vào. Thấy tôi nó đứng lại, mở to mắt nhìn.

Tôi mĩm cười với nó:

-Bé Nga lại đây, con không nhớ dì sao?

Con bé như không nghe, nó leo tót lên ghế, ngồi dựa ngửa nghịch ngợm tấm rèm, rõ ràng là Đình Văn có quá ít thời giờ giáo dục con bé.

Tôi cười mơ hồ.

Đình Văn nhìn mặt tôi, anh lắc đầu ngao ngán.

Rồi anh đứng dậy, kéo bé Nga đi ra. Lát sau tôi thấy anh ở cổng, có lẽ anh đưa nó về.

Tôi đứng yên nhìn bóng anh, lòng chùng xuống. Không hiểu sao tôi thấy 1 chút hụt hẩng, có lẽ tôi không muốn anh về.

Thanh Hằng chợt đi vào:

-Xuống ăn cơm với em, chị Nhi.

Tôi theo Thanh Hằng xuống nhà dưới. Đình Khang đang ngồi ở bàn ăn, thấy tôi Khang đứng dậy:

-Chị Nhi.

-Chú Khang khỏe hả.

-Dạ, em cũng bình thường.

Im lặng 1 lát, Khang nhìn tôi như cầu khẩn:

-Chị về đây luôn chứ, chị Nhi?

Tôi cười nhẹ:

-Chị chưa biết.

Tôi ăn vội vã rồi trở lên phòng, mẹ chồng tôi vẫn còn ngủ, trong phòng mờ mờ tối, tôi bật đèn rồi đến ngồi bên giường.

Tôi hơi hồi hộp khi thấy bà thức dậy, tôi kêu khẻ:

-Mẹ, con mới về, Phượng Nhi nè mẹ.

Bà mở mắt nhìn tôi, rồi xoay người mò tìm tay tôi:

-Con thăm mẹ đó hả Nhi? Con về lúc nào vậy? Bé Quyên đâu?

-Dạ, con mới về, con mới hay tin mẹ bệnh nên con về liền.

-Từ lúc bỏ đi tới giờ con sống ở đâu Nhi? Ai lo cho con, sao con không đem bé quyên về?

Tôi cúi sát người để nghe cho rõ, rồi trả lời tránh đi:

-Con không đem bé Quyên theo, vì con đi công chuyện.

-Sao con bỏ đi mà không cho mẹ hay vậy?

Tôi ngồi thẳng người lên, im lặng. Làm sao tôi có thể trả lời câu hỏi này.

-Nhi.

Tôi lại cúi xuống:

-Dạ.

-Sao con không nói con sống ở đâu, ai lo cho con?

-Con đi dạy mẹ ạ, mẹ thấy trong mình ra sao hả mẹ?

-Mẹ mệt lắm.

Im lặng 1 lát, bà nói tiếp:

-Con bỏ đi như vậy mẹ thấy có lỗi với ba mẹ con quá.

Tôi không biết phải nói gì.

-Nhi.

-Dạ.

-Mẹ biết thằng Văn có lỗi với con, nhưng chuyện lỡ rồi, con tha thứ cho nó mà về nhà, được không con? Mẹ nhìn nó và con khổ mà mẹ chịu không nổi…

Bà hơi nghẹn lời.

Tôi bối rối im lặng. Tôi rất sợ phải đối diện với giờ phút này. Khi quyết định về thăm bà, tôi phân vân không ít. Ngoài nổi sợ gặp lại Đình Văn, tôi sợ phải từ chối lời khuyên của bà.

Thấy tôi im lặng, bà gọi:

-Nhi à.

-Dạ.

Mẹ biết mẹ không còn sống mấy ngày nửa, nếu con không về với chồng con,mẹ chết sao yên hả con. Con hứa với mẹ đi Nhi.

Tôi khóc nghẹn, không thể nói được, bà nhắc lại:

-Hứa không con, đừng làm mẹ buồn nghe con.

-Dạ, con hứa.

Không chịu nổi, tôi khóc nấc lên.

Tôi ngồi đến tối rồi về phòng riêng. Căn phòng này ngày xưa dành cho tôi mỗi khi tôi qua đây chơi. Đồ đạc vẫn không thay đổi, tôi có cảm tưởng mọi thứ ở đây đều không thay đổi, chỉ có tôi là quá đổi thay, sa sút.

Tôi ngồi thu mình trong góc giường, nghĩ về con tôi. Giờ này chắc Mỹ Oanh đã cho nó ngủ. Lúc chiều gọi điện thoại về trường nhắn Mỹ Oanh, tôi tiếc không mang bé Quyên theo, nhưng bây giờ tôi không hối hận gì cả, có bé Quyên ở đây chỉ làm tôi thêm khó xử mà thôi.

Hoàng Thu Dung
Tiểu thuyết | Nhận xét(0) | Trích dẫn(0) | Đọc(5496)
Viết nhận xét
Hình vui
emotemotemotemotemot
emotemotemotemotemot
emotemotemotemotemot
emotemotemotemotemot
emotemotemotemotemot
emotemotemotemotemot
Mở HTML
Mở UBB
Mở hình vui
Ẩn giấu
Hãy nhớ
Tên gọi   Mật khẩu   Khách không cần mật khẩu
Địa chỉ web   Email   [Đăng ký]