Về đến nhà đã thấy Đình Văn ngồi 1 mình ở phòng khách, giống như lần nào anh mới xuống nhà tôi. Tôi nhỏ nhẹ:

Anh Văn xuống lúc nào vậy?

Đình Văn không trả lời, lặng lẽ quan sát tôi.

Tôi quăng giỏ lên bàn rồi ngồi phịch xuống ghế, chân đong đưa:

Em hỏi anh xuống bao lâu rồi?

Hồi sáng.

Lâu vậy hả.

Rồi tôi đứng dậy, Đình Văn chặn lại:

Em khỏi chào, ba mẹ em không có nhà, chỉ có mình Phượng Lam thôi.

Đi đâu vậy nhỉ?

Đi công chuyện với ba mẹ anh.

Vậy hả.

Tôi lại ngồi xuống, vô tư lư.

Em đi chơi về hả Nhi?

Tầm bậy, đi học.

Học thêm à?

Không, 4 đứa em tự học.

Lần này em cũng no rồi chứ?

Tôi cảnh giác:

Anh hỏi chi vậy?

Đình Văn cười rồi nghiêng đầu nhìn tôi, ngắm nghía, tôi hơi ngượng:

Anh Văn nhìn cái gì vậy?

Phượng Nhi đẹp lắm.

Oi sung sướng! … và khủng khiếp ! Chúa ơi !

Tôi suýt chết ngất vì niềm sung sướng ấy. Lần đầu tiên Đình Văn khen tôi đẹp, lần đầu tiên anh biết nịnh đầm và lần đầu tiên anh thấy tôi là 1 cô gái chứ không phải cô bé.

Gì mà ngạc nhiên vậy Nhi?

Anh Văn làm em suýt vỡ tim vì ngạc nhiên đó.

Sao vậy?

Tại vì … à, lần đầu tiên anh Văn nói chuyện rất tình cảm, anh biết khen em đẹp, sung sướng chết mất.

Anh khô khan đến vậy à?

Tôi gật đầu trịnh trọng:

Đúng vậy, thưa ông.

Vì vậy mà lúc nào em cũng xa cách anh, đúng không?

Em không biết nữa.

Em sắp thi học kỳ rồi phải không?

Dạ, còn 3 tuần nữa.

Học bài xong chưa nhỏ, có cần anh giúp gì không?

Bây giờ thì  chưa, nhưng anh soạn đề cương toán để em thi tốt nghiệp.

Được rồi.

Ngoài cửa có tiếng xe, rồi ba mẹ tôi và vợ chồng bác Tư đi vào. Hình như công chuyện của 2 bên tốt đẹp lắm, tôi thấy mọi người rất vui vẻ.

Thấy tôi, bác trai cười vồn vã, vỗ vỗ đầu tôi:

Con gái.

Tôi rụt rè đứng nép vào tường, ba tôi bảo:

Nhi chuẩn bị cơm đi con.

Tôi lên phòng thay đồ rồi kéo Phượng Lam xuống bếp. Con nhỏ bắt đầu mách lẻo:

Chị biết hồi nãy ba mẹ với bác Tư đi đâu không? Đi coi thầy đó.

Chi vậy?

Coi tuổi chị với anh Văn.

Tôi hỏi dồn dập:

Coi chi vậy, nói mau đi.

Coi tuổi để đám cưới chớ chi, chị không biết gì hết.

Tôi đứng sững bên bàn, ngó Phượng Lam trân trân, con nhỏ sợ sệt:

Chị làm gì vậy?

….

Chị Nhi.

Cái gì?

Sao chị cứ nhìn em hoài vậy, mắt chị thấy sợ quá.

Vậy hả.

Tôi vẫn đứng yên, đầu óc lảng bảng trước cái tin đột ngột. Oi, tôi có cảm tưởng mình sắp chết rồi, còn ttại sao chết thì tôi không biết.

Phượng Lam sốt ruột:

Chị Nhi.

Hả?

Chị dọn chén đi, lẹ lên, em làm không kịp nè.

Nước mắt tôi rơi dài trên mặt, tôi lắc đầu cố nín nhưng không được. Tôi khóc thê thiết, vừa khóc vừa lau chén. Phượng Lam hết hồn:

- Chị khóc hả?

Ư.

Sao vậy?

Chị không muốn đám cưới, chị ghét có chồng lắm.

Con nhỏ ngẩn ngơ:

Vậy làm sao bây giờ?

Chị không biết

Chị nói với ba mẹ đi.

Thôi, chị không dám, ba la chết.

Ư hé.

Con nhỏ nhìn tôi tội nghiệp:

Thôi chị ngồi chơi đi, để em dọn cho.

Tôi hít mũi:

Được rồi để chị lau cũng được.

Nó chép miệng, dáng điệu rầu rĩ:

Vậy mà em tưởng chị thích đám cưới lắm.

Thích sao được mà thích.

Em tưởng người lớn là thích đám cưới, vậy chỉ cũng chưa lớn lắm nhỉ?

Tôi nhìn Phượng Lam, con nhỏ khờ quá. Dù sao nó cũng mới học có lớp 8. Phượng Lam sướng hơn tôi nhiều, không ai bắt nó phải có chồng, còn tôi? Tự nhiên tôi thấy tủi thân.

Suốt bữa ăn, tôi ngồi im lìm bên Phượng Lam, Đình Văn ngồi đối diện, không ngừng quan sát tôi. Nhỏ Lam hình như cũng rầu rỉ cho tôi, nó lặng lẽ ăn như người lớn.

Chỉ có ba mẹ tôi và bác Tư là vui vẽ. Bây giờ tôi hiểu “công chuyện” lúc nãy là gì rồi. Ba tôi hình như hài lòng với ông thầy này lắm, ít khi nào thấy ba vui như vậy. nếu tôi mà mở miệng phản đối, lập tức sấm sét sẽ nổ ầm ĩ, chịu gì nỗi.

Bác Tư nhìn tôi săn sóc:

Sao con ăn ít quá vậy, con có bệnh gì không?

Dạ không.

Con gái ẻo lả quá, con học nhiều lắm hả?

Dạ.

Ráng ăn uống cho có sức mà học nghe, lúc này thấy con ốm quá, con gần thi chưa?

Mẹ xen vào:

Sắp thi rồi đó chị, đi học lu bu suốt ngày.

Bác Tư trai nhìn tôi:

Con thi vào tháng mấy?

Dạ, tháng 7.

Bác Tư quay qua ba tôi:

Hồi nãy ông thầy nói mình làm tháng 6 hả anh Chín ?

Ba gật đầu, mẹ tiếp:

Tháng 6 âm lịch nhằm tháng 7 dương lịch, cũng suýt soát mấy ngày đó anh Tư.

Trời ơi, thế là tôi sẽ đám cưới trước hay sau khi thi đại học đây? Tôi rớt nước mắt, Đình Văn nhìn tôi chăm chú, nhỏ Lam đá chân tôi 1 cái.

Bác Tư nhìn tôi, vừa ngạc nhiên vừa lo lắng:

Con Nhi sao vậy? Sao con khóc?

Tôi nói dối:

Dạ, tự nhiên con nhức đầu quá.

Mẹ có vẽ lo ngại:

Nhức đầu sao tới khóc lận, con có bị té ở đâu không?

Dạ không.

Con uống thuốc rồi đi ngủ đi, chắc tại hồi nãy đi nắng chứ gì.

Dạ.

Tôi lên phòng, gài cửa lại. Bây giờ không còn gì phải lo sợ, tôi khóc nức nở và trút tất cả khổ sở vào nhật ký, nước mắt tôi làm lem luốc cả trang giấy, như tăng nỗi muộn phiền trong lòng.

Chưa bao giờ tôi thấy cô đơn như bây giờ, hình như tôi đã sống quá vô tư nên không có ai để rủ rỉ tâm sự. Tôi không dám kể với Mỹ Yến dù nó có vẻ sành sỏi, còn Thùy Lan và Mỹ Oanh thì hiền quá, biết có giải quyết dùm tôi những vướng mắc?

Phải có chồng trong lúc tôi chưa hề nghĩ đến, có nghĩa là sẽ chấm dứt một thời bạn bè, chấm dứt những ngày đi chơi vung vít và như thế là tự cắt xén mình, dẹp bỏ những ước mơ bay cao. Làm sao tôi không đau khổ !

Chưa bao giờ tôi hình dung mình sẽ gắn bó với 1 người con trai cũng như định hình hoàn chỉnh mẫu người yêu lý tưởng. Tôi chưa có thời giờ lo việc đó và mẫu người tưởng tượng của tôi cũng thật mờ nhạt và thay đổi liên tục. Nhưng tôi nhớ có 1 lần bọn tôi vẽ lên mẫu người lý tưởng, tôi đã thoáng nghĩ tới thầy Nam.

Với Đình Văn tôi không ghét. Anh ấy chẳng làm cho ai ghét được cả, nhưng bảo yêu đến độ cần phải có anh trong đời thì không thể. Thời gian sau này, khi tuần nào Đình Văn không xuống, tôi cảm thấy hơi bồn chồn, nhơ nhớ, vậy rồi thôi. Tâm hồn tôi chưa khao khát phải có anh. Thế mà bây giờ phải đón nhận anh vào đời, gắn bó vĩnh viễn … Trời, không thể nào tôi chịu nỗi ý nghĩ đó, sự gắn bó áp đặt quá, cưỡng bức quá, làm sao trái tim tôi không phản kháng.

Đầu óc tôi căng thẳng, mệt mỏi vô cùng, tôi gục mặt xuống bàn.

Có tiếng gỏ cửa, có lẽ mẹ lên, tôi ra mở. Đình Văn đang đứng tựa vào tường chờ tôi.

Anh vô được không? Anh muốn nói chuyện với em.

Tôi lẳng lặng quay vào phòng, sắp xếp lại chiếc giường nhăn nhúm, đây là lần đầu tiên tôi tiếp Đình Văn trong phòng mình.

Anh ngồi bên bàn học, đối diện với tôi, cả 2 bên im lặng, cảm thấy ngỡ ngàng vì khung cảnh thân mật, quá ư gần gũi này.

Tôi ôm chiếc gối, tay mân mê mép ren viền, không hiểu sao hồi hộp quá, lẽ nào tôi đang ngồi bên cạnh người chồng tương lai của mình. Tôi nhìn Đình Văn với 1 ý thức sở hữa xa lạ. Hình như anh cũng xúc động, lần đầu tiên tôi thấy anh thiếu tự chủ, không hiểu sao điều đó làm tôi dễ chịu.

Đình Văn hỏi nhỏ:

Sao em khóc hoài vậy Nhi? Em không muốn đám cưới với anh phải không?

Tôi gật đầu:

Tại sao?

Em không biết, em thích học đại học hơn.

Đám cưới rồi em cũng có thể đi học được vậy.

Tôi khựng lại, quá bất ngờ vì điều anh nói, điều mà tôi chưa hề nghĩ tới. Tôi hòai nghi:

Thật không?

Anh nói thật.

Nhưng ba mẹ anh có chịu không?

Ba mẹ anh dễ lắm, tùy tụi mình thôi.

Tôi lắc đầu, tự nhiên nước mắt tôi trào ra:

Nhưng học đại học mà có chồng người ta cười em, em không thích mình khác người ta.

Em sợ không đi chơi được phải không?

Tôi gật đầu thú nhận, Đình Văn có vẽ buồn:

Em muốn vào đại học chỉ để có điều kiện vui chơi thôi hả?

Không phải hoàn toàn như vậy, em muốn mình phải có chỗ đứng ngoài xã hội, em không thích cả đời chỉ chui vào xó bếp, sống như vậy vô vị lắm.

Đình Văn thở nhẹ, hình như anh hài lòng câu nói của tôi.

Phượng Nhi, em muốn gì anh cũng chìu ý em hết, em đừng tự dằn vặt mình như vậy. Thật ra hôn nhân đâu có ghê gớm gì lắm, sống với anh em sẽ thoải mái như sống ở nhà ba mẹ, em không phải sợ mất tự do.

Nếu vậy anh cưới em làm gì? Em không hiểu được anh, không lẽ ba mẹ anh bắt anh làm cái gì anh cũng chịu, anh lớn rồi kia mà.

Phượng Nhi.

Đình Văn hơi lớn tiếng, anh có vẽ giận, tôi không hiểu anh giận cái gì, thực ra tôi có nói gì quá đáng đâu.

Đình Văn đứng dậy, đi lại cửa sổ đứng, tôi ngồi im nhìn theo cử chỉ bồn chồn của anh. Quả thật hôm nay anh rất lạ, anh không còn vẻ nghiêm trang đạo mạo nữa. Có chuyện gì xảy ra với anh vậy? Bây giờ tôi chợt nhận ra người lớn phức tạp quá, tôi không hiểu nỗi.

Đình Văn chợt bước tới ngồi bên tôi, nghiêng đầu qua nhìn mặt tôi. Tôi hơi hoảng hồn vì cử chỉ đột ngột của anh và tôi hồi hộp ngồi im.

Giọng anh thật là nhẹ nhàng, như tiếng gío:

Phượng Nhi nói thật với anh đi, đừng sợ anh buồn, em có nghĩ đến anh chút nào không?

Nghĩ làm sao?

Nghĩa là … em có tình cảm gì với anh không?

Tôi im lặng, hình như chưa bao giờ tôi hỏi lòng mình điều này. Minh Quốc bảo thương tôi, điều đó tôi tin, dù tôi không xúc động. Còn Đình Văn? Chưa khi nào anh có 1 cử chỉ, 1 lời tỏ tình như Minh Quốc, vậy thì tại sao tôi có cảm tình với anh chứ? Tôi không hiểu nỗi. Đình Văn cưới tôi vì ba mẹ anh muốn, hay vì anh yêu tôi? Tôi chỉ hiểu 1 điều là lúc nào anh cũng tìm cách kiềm cặp tôi , phê phán sửa chữa tôi như người ta giáo dục 1 đứa trẻ phá phách. Người ta muốn cưới nhau thì phải yêu nhau, phải có tình cảm lãng mạn bay bổng 1 tí chứ.

Nhưng mà nói chuyện này không phải là dễ, chắc chắn Đình Văn sẽ cười vô mũi tôi.

Đình Văn nhìn tôi chờ đợi, môi anh mím chặt, căng thẳng, rồi anh giục tôi:

Em nói đi.

Tôi bật ra:

Vậy chứ anh có tình cảm gì với em không? Em chưa khi nào hiểu anh cả.

Đình Văn nhìn tôi thăm thẳm:

Không lẽ đợi anh nói yêu em mới hiểu.

Có 1 thoáng gì đó trong đáy tim tôi, như 1 nỗi xao xuyến rung động. Tôi lặng đi.

Đình Văn lại bước qua bàn học, ngồi xuống đối diện với tôi (chắc là để nhìn mặt tôi kỹ hơn), anh có vẽ trầm ngâm:

Anh nghĩ, trong tình cảm, nhìn cách đối xử với nhau cũng đã hiểu, cần gì phải nói, miễn là thật tình với nhau thôi.

Tôi bẻ lại:

Vậy sao anh hỏi tình cảm của em?

Vì em lúc nào cũng vô tâm đối với anh, anh muốn tự em nói ra ý nghĩ của em, anh biết … em không thương anh.

Tôi thở dài:

Không phải vậy đâu.

Đình Văn chồm tới nhìn tôi riết rống, hy vọng:

Nghĩa là em không hoàn toàn dững dưng?

Tôi gật đầu:

Em cũng không biết nói sao cho anh hiểu, lúc nào anh cũng coi em như con nít, ai lại yêu con nít bao giờ, cho nên em không dám nghĩ tới.

Còn với Minh Quốc Em có nghĩ tới không?

Tôi kinh ngạc:

Sao anh biết Minh Quốc?

Biết chứ.

Anh gặp Quốc lúc nào?

Lúc tết ở nhà em.

Anh biết được gì rồi?

Biết bạn em phải lòng em.

Vậy sao anh không hỏi em?

Đình Văn hỏi lại:

Theo em thì anh phải hỏi làm sao? Tra vấn em à? Anh không muốn làm chuyện đó, anh muốn tự em nói ra.

Lần đầu tiên Đình Văn hé mở cho tôi thấy 1 góc tâm hồn anh, tôi chợt nhận ra rằng, con người trầm tĩnh kia cất giấu những suy nghĩ chín chắn, những tình cảm sâu sắc và kiên nhẫn đến lì lợm… Nói chung, đó không phải là ông cụ đạo mạo chỉ biết dạy bảo tôi “Em không nên thế này, em phải biết thế kia”, mà là 1 gã con trai sống nội tâm, thâm trầm và rất yêu thương tôi. Anh làm tôi xúc động vô cùng.

Không suy nghĩ nhiều, tôi lấy lá thư của Minh Quốc, lặng lẽ đưa cho anh. Đình Văn đọc lướt qua rồi xếp lại, đặt trên bàn:

Cám ơn em.

Về cái gì, anh Văn?

Vì chuyện em đã tin tưởng và thực tình với anh.

Rồi anh mạnh dạn giữ khuôn mặt tôi trong tay, nhìn lướt qua từng nét. Đầu óc tôi lảo đảo, tôi chợt nhớ những cảnh tả người ta tỏ tình trong tiểu thuyết. Và kỳ lạ quá, tôi thấy hồi hộp, đồng thời cũng có 1 chút tò mò… Tôi mở lớn mắt nhìn Đình Văn chờ đợi cái gì sẽ xảy ra.

Nhưng không có gì xảy ra hết.

Anh nhẹ nhàng vuốt sống mũi tôi rồi ngồi qua chiếc ghế bên bàn học, tôi thấy anh lắc mạnh đầu.

Phượng Nhi đẹp quá, đẹp đến độ anh cảm thấy khổ sở.

Là sao, sao kỳ vậy, em không hiểu.

Chuyện con trai, em hiểu làm gì.

Rồi Đình Văn đứng dậy, đi tới đi lui trong phòng. Tôi ngồi bó gối ngó theo.

Chợt Đình Văn đứng lại, như đã trấn áp được ý nghĩ gì đó. Anh cười với tôi:

Em cho anh xem  mấy bài luận của em đi.

Chi vậy?

Tôi cảm thấy ngỡ ngàng vì câu nói ấy, nó chẳng ăn nhập gì với chuyện xảy ra nãy giờ. “Lại giở cái tật ông cụ ra rồi đây” – Tôi nghĩ thầm rồi mở ngăn kéo lấy xấp bài luận đưa cho anh. Về việc này tôi không có gì phải xấu hổ, toàn là điểm 8 và 9 cả.

Đình Văn chăm chú đọc từng bài, rồi cất vào tủ:

Em viết văn trau chuốt và sâu sắc nữa. Bề ngoài của em gần như mâu thuẩn với suy nghĩ bên trong. Em biết không, chính vì vậy mà em rất cuốn hút.

Bài luận của em thì có liên quan gì đến tính cách?

Có chứ, văn học là nhân học mà, em quên rồi hả?

Đâu có quên, em nhớ rõ ràng là câu này của Hít Le nói, đúng không?

Đình Văn phì cười, nắm đuôi bính của tôi lắc lắc:

Mai mốt thi đại học nhớ ghi câu này, bảo đảm em sẽ đậu cử nhân.

Dĩ nhiên.

Dám không?

Em sợ gì mà không dám?

Bắt tay 1 cái nào.

Tôi hất đầu lên, chìa tay ra. Đình Văn giữ tay tôi lại hơi lâu rồi nhìn mặt tôi chăm chăm, trong mắt đã có 2 dấu hỏi. Tôi chớp chớp mắt sợ hãi, nét mặt Đình Văn thấy sợ quá.

Phượng Nhi, bây giờ em có thể trả lời anh chưa?

Trả lời cái gì?

Em có đồng ý đám cưới với anh không?

Em không biết, trời ơi, anh đừng có hỏi chuyện đó.

Thôi được.

Đình Văn buông tay ra vẻ bức rức.

Lại rơi vào sự im lặng nặng nề. Tâm trạng vui vẻ của tôi biến mất, nói gì cũng được trừ chuyện đám cưới. Tôi thấy gần gũi Đình Văn nhiều lắm, nhưng tôi thích tình cảm anh em hơn. Giá mà anh chỉ coi tôi như 1 cô em gái, như vậy thích biết bao.

Tôi muốn nói điều này, nhưng tôi hiểu rằng nó sẽ chỉ là giọt nước rơi trên lá, chẳng tác động gì tới anh đâu.

Tôi định bảo anh đừng buồn tôi, nhưng cũng không mở miệng được. Khuôn mặt Đình Văn sao mà nghiêm khắc quá. Quả thật, tôi rất sợ sự nghiêm khắc của anh, nó làm tôi cảm thấy mình phạm lỗi dù chẳng biết đó có phải là lỗi hay không.

Đình Văn vỗ nhẹ đầu tôi:

Thôi đừng suy nghĩ lẩn thẩn nữa cô bé. Bây giờ ngủ đi, anh về nghe.

Tôi buộc miệng:

Chừng nào anh xuống nữa?

Anh nheo mắt:

Em muốn anh xuống không?

Nếu rãnh thì anh xuống chơi.

Em không sợ hả?

Sợ cái gì? – Tôi ngạc nhiên.

Mà thôi, ngủ đi, anh về

Ra đến cửa, Đình Văn còn quay lại:

Lo học đi, đừng nghĩ vẩn vơ nghe.

Hôm trước mẹ cũng bảo tôi đừng nghĩ vẫn vơ. Có thánh mới không suy nghĩ. Mấy người lớn này thật khó hiểu, cứ đưa tôi vào chốn mê cung rồi bảo tôi đừng nghĩ ngợi. Tôi có phải là trẻ con đâu mà vô tư chứ.

Tôi nằm lăn ra giừờng, đầu óc nghĩ lung tung. Cho đến khi mệt mõi, tôi ngủ vùi dập.

                                        *          *

                                               *

Khi tôi thức dậy, trời đã tối, không biết ai đã bật đèn trong phòng, chắc là mẹ. Tôi đi xuống nhà dưới, cả nhà đang ngồi vào bàn ăn. Thấy tôi, mẹ nhỏ nhẹ:

Con rửa mặt rồi đi ăn cơm.

Nhỏ Phượng Lam nhìn tôi trang nghiêm, có chuyện gì vậy nhỉ?

Tôi ngồi xuống cạnh thằng Phi, nó im lặng nhích qua 1 bên, cũng im lìm như Phượng Lam, cả ba mẹ cũng có vẽ trầm mặc sao ấy. Tôi linh cảm tôi đã phạm lỗi gì đó.

Rồi, hình như không nén giận được nữa, ba hỏi tôi:

Đứa nào viết thư cho mày vậy, Nhi?

Bị bất ngờ, tôi líu cả lưỡi, ngồi im như thóc.

Ba quát lên:

Tao hỏi đứa nào viết thư cho mày?

Mẹ can:

Anh nói từ từ thôi, để nó bình tĩnh lại đã.

Mẹ quay qua tôi:

Minh Quốc là bạn con phải không?

Dạ.

Học chung lớp hả?

Dạ.

Nó gởi thư cho con hồi nào?

Dạ, gởi hôm tế.

Sao con không nói với mẹ?

Tôi im lặng, không biết trả lời thế nào. Ba nóng nảy:

Mày có nói không?

Dạ, tại con thấy không có gì.

Hừ, không có gì mà giấu cha giấu mẹ. Mày có viết thư cho nó không?

Tôi lắc đầu:

Dạ không có.

Không có sao nó viết thư cho mày?

Làm sao tôi cản được Minh Quốc chứ, trong chuyện này tôi không có lỗi. Ba nói thật là oan ức.

Vậy là vô lớp mày với nó cứ lo bồ bịch chứ gì, đâu có lo học hành.



Ba chợt quát lên:

Mai mốt cấm không cho mày đi học nữa, ở nhà luôn đi, mày làm tao xấu hổ với người ta, tao biết ăn nói sao với bác Tư mày đây. Chỗ người lớn với nhau chứ đâu phải con nít, mày chê thằng Văn ở chỗ nào?



Mày nói không?

Nước mắt tôi lăn dài trên mặt, tôi sợ hãi:

Dạ con không có chê.

Vậy sao mày còn lo bồ bịch với thằng nhóc kia?

Con không có quen với bạn con, nó viết thư cho con chứ con không có trả lời.

Mẹ xen vào:

Anh nóng tính quá, để hỏi nó từ từ chứ, áp đặt nó quá đâu có được.

Rồi mẹ nhìn qua tôi:

Vậy là con không có viết thư cho bạn phải không? Con không có gì với nó chứ gì?

Dạ.

Ba hình như nghĩ ra thái độ của tôi lúc trưa, ba lại nổi nóng:

Vậy là hồi trưa mày khóc vì không chịu thằng Văn chứ gì. Người lớn lo bàn chuyện đám cưới của nó, còn nó thì khóc lóc không chịu. Chịu nổi không?

Mẹ dịu dàng:

Anh nói gì vậy, hồi trưa nó nhức đầu mà.

Ba vẫn nóng nảy:

Rồi bay giờ mày có ưng thằng Văn không thì nói.

Tôi đành nhắm mắt đưa chân:

Dạ ưng.

Ba gật gù, nguôi giận ngay lập tức (ngộ quá)

Phải vậy chứ, thằng Văn nó còn trẻ mà đã là kỹ sư, kinh tế lại bảo đảm, còn thằng nhóc kia chưa có nghề ngỗng gì hết, quen biết lung tung là khổ nữa. Con mà cãi là ba bỏ đó.

Dạ.

Con có phước lắm mới gặp thằng Văn. Nó hiền lành, không rượu chè cờ bạc, thanh niên bây giờ 10 thằng hư hỏng hết 9, bồ bịch lăng nhăng rồi sau này nó bỏ cho ngồi đó khóc. Cái gì cha mẹ chọn cho là bảo đảm, con mà cãi rồi sau này khổ đừng có trách.

Những điều ba nói tôi chỉ hiểu lơ mơ. Nào tôi có hiểu tương lai là gì và thế nào là hôn nhân. Tôi chỉ muốn mỗi 1 điều là được học đại học. Vậy mà người lớn cứ bắt tôi nghĩ tới chuyện xa xôi.

Khi còn lại 1 mình tôi và Phượng Lam, tôi hỏi nó:

Hồi chiều ai lấy thư chị đưa cho ba vậy?

Ba lấy, ba lên phòng chị ba thấy. Trời ơi, ba rầy um sùm luôn.

Sao chị không nghe?

Chị ngủ mà nghe cái gì, bắt tụi em nghe muốn chết luôn.

Ba rầy cái gì?

Nhiều lắm. Ba nói chị hư hỏng, đi học mà có bồ, giấu giếm cha mẹ, chị không thương anh Văn là ngu, và …

Thôi, thôi, đừng nói nữa, chị nhức đầu quá.

Tôi đuổi Phượng Lam ra ngoài và ngồi 1 mình nhìn ra bóng tối. Tôi có cảm tưởng mình sẽ dấn thân vào bóng tối ấy 1 mình với nỗi cô đơn.

                                        *           *

                                               *

Đã thi xong học kỳ II, những ngày qua tôi chúi mũi vào sách vở. Bây giờ thi xong, tâm hồn tôi là 1 khoảng trống mênh mông.

Hôm nay có giờ sinh hoạt, thầy Nam để bọn tôi tự do. Lớp ồn như cái chợ. Bọn nó chơi cờ hoặc tụ lại nói chuyện. Chúng nó nói huyên thuyên, chúng nó cười nhí nhá … Không hiểu chúng nó vui ở chỗ nào.

Tôi ngồi yên, chống cằm nhìn cả lớp. Tôi có cảm tưởng tất cả đều vô tư, trừ tôi. Chỉ có tôi là lạc lõng với thế giới mà tôi đã từng sống, chỉ có tôi là từ giã quá sớm 1 thời ngây ngô vụng dại. Tôi có cảm tưởng mình đã lớn, đã quá già cỗi để có thể hòa nhập vào bạn bè.      

Nào ai trong lớp này biết được, chỉ 3 tháng nữa tôi sẽ có chồng. Tôi nhớ Tố Hữu có 1 câu thơ “20 tuổi mới bước qua vòng thơ bé”. Tôi 18, đã kịp làm người lớn chưa nhỉ? Điều ấy tôi không biết. 18 tuổi có lẽ chỉ mới chấm dứt thời trẻ con, chưa biết thế nào là tình yêu, chưa được có 1 thời lãng mạn hẹn hò với người yêu, chưa hiểu thế nào là sự bồi hồi rung động bên 1 người con trai và cũng chưa kịp thực hiện những ước mơ ấp ủ … Bây giờ thì tất cả đã bay cao, cả ước mơ bình thường cũng đành khép kin.

Tôi nhắm mắt, cố xua đuổi những ý nghĩ dày vò tâm hồng. Tôi muốn đứng dậy, muốn đến nhập bọn với nhóm nhỏ Ngọc nói chuyện triết lý… chuyện gì cũng được, miễn là đừng phải đối diện với mình. Nhưng tôi biết tôi sẽ không thể nào bình thường như chúng nó. Tốt hơn hết hãy rút vào thế giới của mình. Tôi ngồi yên, thẫn thờ nhìn ra cửa sổ.

Và rồi 1 cảm giác mơ hồ, linh tính mách bảo cho tôi biết 1 ánh mắt đang nhìn tôi. Tôi nhìn lên bàn giáo viên, thầy Nam ngồi dựa vào ghế, đôi mắt đăm đăm hướng về phía tôi, tôi ngỡ ngàng …

Anh mắt tôi và thầy giao nhau 1 phút, 2 phút … hay là 1 khoảng thời gian dài? Tôi không biết được, tôi chới với trong trạng thái vô thức.

Rồi tôi cúi xuống, chìm nghĩm trong mớ suy nghĩ hỗn độn. Tôi nhận ra mình đang thổn thức. Tôi giấu mặt trong mớ tóc.

Rồi có tiếng chuông ren, tôi vẫn ngồi yên, cả lớp lục tục đứng dậy. Mỹ Oanh kéo tay tôi:

Về Phượng Nhi.

Mày về trước đi.

Nhỏ ngồi xuống bên tôi, im lặng 1 lát

Sao lúc này tao thấy mày hay buồn quá, có chuyện gì không?

Rồi nó vén tóc tôi, vẻ săn sóc. Nhỏ nhìn tôi 1 cách ân cần, thương cảm. Tôi có cảm tưởng tâm hồn mình đang phơi bày trước mặt nó và tôi thèm được chia sẻ.

Hoàng Thu Dung
Tiểu thuyết | Nhận xét(0) | Trích dẫn(0) | Đọc(3954)
Viết nhận xét
Hình vui
emotemotemotemotemot
emotemotemotemotemot
emotemotemotemotemot
emotemotemotemotemot
emotemotemotemotemot
emotemotemotemotemot
Mở HTML
Mở UBB
Mở hình vui
Ẩn giấu
Hãy nhớ
Tên gọi   Mật khẩu   Khách không cần mật khẩu
Địa chỉ web   Email   [Đăng ký]